Nguyễn Hy Thần
Trong đời sống hàng ngày, Chữ nghĩa và Từ ngữ được dùng để chuyên chở ý tưởng, nhưng có bao giờ chúng ta bất chợt nghĩ đến "nghĩa thật" hoặc xuất xứ của những từ ngữ thường dùng trtên đầu môi chót lưỡi không ?
Đôi khi, chính từ những ý thắc mắc bâng quơ đó mà bạn sẽ ngạc nhiên khi tìm thấy thật nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về thế thái nhân tình, về con người và đôi khi những bài học kỳ thú về lịch sử nữa …
Ví dụ như để gọi một giáo phái thờ Chúa có trụ sở ở La Mã, người ngoại quốc chỉ đơn giả gọi "Catholics", mà tiếng Việt mình thì thật nhiêu khê: đạo Thiên Chúa, đạo Chúa, đạo Cơ Đốc, đạo Gia Tô, Ki-tô giáo, và gần đây là … Công giáo.
Trong những danh từ riêng đó, hai chữ "công giáo" đứng trơ trọi một mình về mặt ý nghĩa bởi vì những danh từ Thiên Chúa, Cơ Đốc, Gia Tô, Ki-tô đều từ tên vị giáo chủ là Chúa mà ra, nhưng còn "công giáo" là gì? Danh từ công giáo đã có trong từ ngữ Việt Nam từ bao thế kỹ. Như những danh từ Hán-Việt khác, từ "công giáo" có lẽ đã du nhập vào tiếng Việt từ những ngày đầu tiên khi văn minh Trung Hoa theo bước đoàn quân viễn chinh Tàu sang đô hộ quận Giao Chỉ vào thế kỷ thứ nhất, thứ nhì.
Chữ "Công" trong Việt ngữ có hai nghĩa khác biệt:
1- "Công" nghĩa là sự làm việc, sức làm việc, những gì động đến tay chân. Đây là nghĩa mà những tiếng ghép như "công lao", "công sức", "công kênh", "công binh", "công cuộc", "công nhân", …
2- "Công" còn có nghĩa thứ nhì là chung đều cho tất cả mọi người, chung cho mọi người do nhà nước ban hành và điều khiển [1] như trong "công quyền", "công cọng", "công bình", "công cụ", …
Chữ "Công" trong danh từ Công giáo mang nghĩa thứ nhì ở trên và "công giáo" được định nghĩa là "tôn giáo được thừa nhận là đạo chính thức" (theo Tự Điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn, 1960). "Chính thức" đây có nghĩa được chính quyền thừa nhận. Việt Nam Tự Điển của Lê Ngọc Trụ và Lê Văn Đức thì định nghĩa một cách rõ ràng hơn:
Công giáo: (a) Tôn giáo được nhà nước nhìn nhận là tôn giáo chính thức của nước ấy, (b) Đạo Gia-Tô ở Việt Nam. [2] [3]
Như vậy, "công giáo" có hai nghĩa: (i) Đạo chính thức của cả nước, và (ii) Đạo Chúa hay đạo Gia-tô.
Nghĩa trước (i) đã có trong từ ngữ Việt Nam từ bao thế kỹ qua, còn nghĩa sau (ii) thì được du nhập từ thời nào ? [4]
Từ ngữ đến và đi trong đời sống khác với con người hay cát bụi. Con người có khai sinh để biết lúc nào chào đời, đất đá có thể dùng phóng xạ đồng vị C14 để đo được số tuổi chính xác, nhưng còn từ ngữ thì sao ? Với ngôn ngữ thì không thể định được ngày nào thì một danh từ ra đời, tuy nhiên để biết một danh từ ra đời hoặc trở nên thông dụng trong thời đại nào thì không phải là chuyện khó !
Nhiều từ ngữ được sáng tạo nhưng không bao giờ "ra đời" hay "thành hình", nghĩa là đi vào ngôn ngữ của quần chúng, mà ngược lại chỉ quanh đi quẩn lại trong một nhóm người, rồi chết đi theo thời gian !
Một từ ngữ chỉ được "thành hình" khi từ ngữ đó được dùng trong báo chí, trên tin tức hàng ngày, được nhắc nhở đi đi lại lại nhiều lần để dần dần thấm vào tiềm thức của người nghe và một ngày nào đó bước vào ngôn ngữ thường nhật mà chính người nói cũng không hay biết. Những danh từ như nhà "ga" (xe lữa), "xà phòng", mái tóc "phi dê" (tóc uốn), phi đạo, hỏa xa, … không thể nào có trước thời Pháp thuộc được, bởi vì những vật đó không thể nào có mặt trước khi Pháp xâm chiếm Việt Nam. Và dĩ nhiên là đọc trong cổ văn Việt Nam trước thế kỹ 18 sẽ không bao giờ tìm thấy tăm hơi những chử đó cả..
Vì vậy, một trong những cách để các nhà ngôn ngữ học khi tra cứu nguồn gốc một chữ nào đó là tra cứu trong văn chương, trong tự điển, sách báo, tài liệu lịch sử và cả trong nền văn học truyền khẩu dân gian … để khẳng định được sự ra đời của một từ ngữ.
Chữ "công giáo" cũng không đi ngoài thông lệ đó !
Sách báo Việt Nam trước thập niên 60 khi đề cập đến Catholics thì dùng chữ Thiên Chúa giáo, đạo Gia-Tô, đạo Ki-Tô hay đạo Cơ Đốc. Viết về đạo Catholics, cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh (1938), ghi rằng: "Từ thế kỷ 16, 17, Cơ Đốc giáo do các giáo sĩ Bồ-Đào-Nha và Pháp Lan Tây truyền sang thì ở nước ta lại có thêm một thứ tôn giáo mới theo nghi thức La-Mã giáo hội …" [5]
Toàn bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (viết khoảng 1950) không hề dùng chử "công giáo". Những danh từ công giáo cũng vắng bóng trong những tác phẩm văn học viết trước thập niên 50. [6]
Như vậy, qua sự tìm hiểu đặt trên căn bản thời gian sử dụng ngôn ngữ nói trên, ta có thể kết luận rằng hai chữ "công giáo" được bắt đầu dùng để chỉ đạo Catholics (Cơ Đốc, Gia Tô, Thiên Chúa, …) vào cuối thập niên 50 hoặc đầu thập niên 60.
Tại sao lại "Công giáo" mà không là Cơ Đốc giáo hay Thiên Chúa giáo …? Trong hơn bốn ngàn năm lịch sử, có hàng chục đạo truyền vào và luân lưu ở Việt Nam, nhưng không hề có hai chữ "Lương" hay "Giáo", phải đợi đến thế kỷ 16, 17, khi đạo Cơ Đốc truyền vào thì hai từ ngữ đó mới được phát sinh ra để phân biệt người trong đạo (Cơ Đốc) và kẻ … ngoại đạo !
Khác với lịch sử truyền đạo của Cơ Đốc giáo, lịch sử truyền đạo của một giáo phái khác cũng tôn thờ cùng một ông Chúa là đạo Tin Lành lại chẳng mang tai tiếng hay tạo ngộ nhận gì trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Đạo Tin Lành được truyền vào Việt Nam khoảng năm 1911 do những giáo sĩ Mỹ.[7]Nhưng quần chúng Việt Nam lại không thấy bóng hình Thực dân Pháp lấp ló đàng sau hình ảnh của những giáo sĩ ngoại quốc (cũng da trắng) nầy. Mà cũng chẳng ai, kể cả vua quan, đàn áp hay ngại ngùng với việc truyền đạo Tin Lành cả. Tín đồ Tin Lành cũng chẳng bao giờ phân biệt mình là Lương hay Giáo, bởi vì "Giáo" là chỉ những người theo đạo Gia Tô, còn Lương thì chỉ hết tất cả những người còn lại. Vậy thì nếu có phân biệt Lương và Giáo thì tín đồ Tin Lành cũng thuộc vào loại … "Lương" rồi..
Sau gần 100 năm truyền đạo Tin Lành mà chẳng thấy con chiên hay Mục sư nào "tử vì đạo" Tin Lành cả. Chỉ vì một lý do đơn giản là các Mục sư Tin Lành không bao giờ dính dáng đến chính trị, hoặc mượn tay nhà cầm quyền để rao giảng lời Chúa dạy cả.
Cùng đi rao giảng lời Chúa dạy mà một bên đến với nhiều "ngộ nhận" (hay "chính" nhận ?), còn một bên đến thật êm đềm và được đồng bào Việt Nam đón nhận vào đại thể văn hóa của dân tộc !
Ý tưởng bién Thiên Chúa giáo thành "tôn giáo của chính quyền" đã manh nha từ thời Pháp thuộc trong chính phủ và giới tăng lữ của nhà nước bảo hộ Pháp và trong cả những linh mục bản xứ đã quên mình là người Việt Nam. Vào những năm thánh cuối cùng của chế độ Thực dân, chữ "công giáo" được vài cha phổ biến một cách hạn hẹp trong giáo đồ. Nhà văn Nguyễn Vỹ, trong cuốn bút ký chính trị "Tuấn, Chàng Trai Nước Việt" (trang 132) đã nhận xét rằng: "…Nhưng uy quyền của Pháp đang mạnh, thế lực Thiên Chúa giáo mà thực dân Pháp coi như công giáo và che chở, kính nể, đang bành trướng khắp nơi …" [Xin lưu ý hai chữ "Thiên Chúa giáo" và "công giáo" được dùng chung trong một mệnh đề với 2 nghĩa khác nhau. Điều nầy có nghĩa là cho đến khi ông Nguyễn Vỹ viết tác phẩm nầy, "Công giáo" chưa phải là tên của đạo Catholic] .
Lòng các cha thì ao ước "bành trướng khắp nơi" như vậy, nhưng tình hình chính trị lúc đó đã không cho những người linh mục nầy biến Thiên Chúa giáo thành một thứ quốc giáo hay "công" giáo. Giác mộng nầy phải đợi đến mấy mươi năm sau, khi người em ruột của vị Giám mục nhiều tham vọng Ngô Đình Thục là ông Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở miền Nam !
Ai cũng biết dùng chữ "Công giáo" trong ngôn ngữ Việt Nam thì có ít nhất ba điều không ỗn:
■ Để gọi một tôn giáo, người Việt (hay đa số mọi quốc gia trên thế giới) dùngtên người sáng lập ra tôn giáo hay triết lý của tôn giáo đó mà gọi như Phật giáo (Buddha, Buddhism), Khổng giáo (Confucius, Confucianism), Lão giáo (Lao Tsu, Taoism); hoặc lấy tên của dân tộc, sắc dân đã khai sinh ra tôn giáo đó để đặt tên như Ấn giáo (India, Hinduism), Hồi giáo (Muslim, Islam), Do Thái giáo (Jews, Judaism), Anh giáo (English, Anglican), v.v…Và cũng theo nguyên tắc đó mà người Việt (hay đa số mọi quốc gia trên thế giới) đã gọi đạo Catholics là đạo Gia-Tô (Giêsu, Jesus), hay Cơ Đốc (Christ), hoạc đạo Chúa..
Trước thập niên 50, người Việt đã không gọi Catholics là "Công" giáo vì không có một vị giáo chủ sáng lập nào tên là … "Công" hay một dân tộc nào tên là "Công" cả. Chữ "Công giáo" chỉ xuất hiện, như đã chứng minh bằng một số văn bản ở trên, từ khi có chế độ Ngô Đình Diệm.
■ Ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ liên tưởng rằng công giáo là công bình, công minh, bác ái. Điều nầy thật là buồn cười vì những người có căn bản Hán Việt đều hiểu rằng trong danh từ kép công bình thì chử Bình là chính nghĩa, chữ Công chỉ là bổ nghĩa (liên hệ đến chính quyền). Cũng vậy, trong danh từ képcông minh thì từ Minh (sáng suốt) là chính, cũng như bác ái đến từ chữ Ái (là yêu). Do đó, nếu chữ công giáo là công bình, công minh thì tại sao lại không dùng nghĩa chính (bình, minh), gọi đạo nầy là Bình giáo hay Minh giáo, mà lại dùng chữ bổ nghĩa (công) để gọi là Công giáo ?
■ Ngoài ra, hai chữ Giáo và Đạo trong tiếng Việt được dùng để gọi một tôn giáo như ta vẫn gọi Khổng giáo là đạo Khổng, Hồi giáo là đạo Hồi, Phật giáo là đạo Phật, v.v… Như vậy, từ nay, gọi Công giáo là … đạo Công chắc cũng không sai !
Những người đề xướng ra danh từ "Công giáo" chắc có thừa thông minh để hiểu những nghịch lý, sai lầm và bất cập nầy nhưng vẫn miễn cưỡng hoặc ngoan cố làm vì quyết định đổi từ "Cơ-Đốc giáo" sang được chữ "Công giáo" là bước đầu trong tham vọng biến lời Chúa dạy thành lời của Cesar, biến tổng thống Ngô Đình Diệm thành vua Constantin (vị hoàng đế đã quốc giáo hóa đạo Giê-su cho đế quốc La Mã).
Song song với việc đổi tên đạo, đảng Cần Lao của Công giáo cũng được khai sinh để hổ trợ cho chính quyền. Cơ sở đảng Cần Lao từ trung ương đến địa phương đều nằm dưới quyền lãnh đạo hoặc cố vấn của các Giám mục, các Linh mục. Đảng Cần Lao độc quyền chống Cọng và độc quyền trị nước nên các đảng quốc gia khác như Việt Nam Quốc Dân đảng, Duy Dân, Đại Việt, Dân Xã, … đều bị đán áp vì việc "chống Cọng" đã có Cần Lao lo rồi.
[Từ cuối thập niên 50']. đãng viên Cần Lao hầu hết phải là người có đạo Công giáo. Những chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền phải do đảng viên Cần Lao nắm giữ. Ở nhiều địa phương, nhất là ở miền Trung, tân đảng viên Cần Lao khi gia nhập đảng phải đọc lời thề có câu: "…Thề tiêu diệt Phật giáo Ma quỷ và các đảng phái Quốc gia…" (theo tạp chí Thức Tỉnh của ký giả lão thành Tô Văn số 115, 116, Los Angeles). Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, đảng Cần Lao mà một thời hét ra lữa với những đoàn mật vụ hung hiễm, đã hoàn toàn tan rã vì quyền lợi của những người gia nhập đảng không còn nữa. Sau năm 1975, tại hãi ngoại, một nhóm tàn dư đãng viên cũ cố làm sống lại đảng nầy bằng cách bóp méo lịch sử, nhưng nỗ lực nầy chỉ tạo thêm phản ứng bất lợi cho họ mà thôi.
Ngày hôm nay, nếu có ai hỏi về hai chữ "công giáo", các cha sẽ giãng nghĩa khác đi[8] vì các cha không còn thế lực chính quyền nữa. Nhưng ở thời Ngô Đình Diệm, dùng chữ Công giáo thay cho Cơ-Đốc giáo, các cha muốn cho quần chúng Việt Nam biết rằng tôn giáo nầy được chính quyền hổ trợ như một quốc giáo. Đó là các thông điệp vừa ngầm vừa tỏ gửi đến cho giới trí thức Việt Nam thời đó. Cái lợi thứ hai về truyền đạo là đói với người dân ít học, thấp cổ bé miệng, thì hai tiếng "công giáo" kèm với hình ảnh của đảng Cần Lao đã tạo cho người đi giảng lời Chúa một thứ quyền lực đe dọa của nhà nước. Lời Linh mục phán là lời của "công" quyền, lệnh của các Cha là chính sách của quốc gia.
Việc đổi tên của một Giáo hội đã được hợp thức hóa và quy mô hóa với sự hậu thuẫn của chính quyền thời đó. Hệ thống tuyên truyền và hệ thống hành chánh của nền Đệ Nhất Cọng hòa được vận dụng tối đa để chính thức hóa danh xưng mới nầy. Hai chữ "Công giáo" xuất hiện trên công văn của chính phủ, trên sách báo, nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các đài phát thanh với mục đích thấm dần vào đầu trí thức và quần chúng Nam Việt Nam.
Dư luận lúc bấy giờ, nhất là trong tầng lớp trí thức, phản ứng mạnh mẽ. Lịch sử Việt Nam dưới nhiều triều đại, dù có khi đạo Phật đạo Khổng được cả nước, từ vua quan đến sĩ phu đến dân chúng, sùng bái, nhưng các tôn giáo nầy vẫn chưa bao giờ được gọi là quốc giáo hay đạo của chính quyền. Nay đề cao một tôn giáo (đã thiểu số lại từng làm tay sai cho ngoại bang) lên làm quốc giáo là đi trái với truyền thống dân tộc một cách trắng trợn, nên hai chữ "Công giáo" đã trở thành đề tài phê bình và phiếm luận, công khai có mà âm thầm cũng nhiều, trên mặt báo trong nhiều tháng. Người dân đòi hỏi chính phủ phải tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị để tránh sự lũng đoạn chính quyền về sau.
Nhưng một khi mà ông chính phủ cổ thì đeo thánh giá, còn tay thì cầm cán cân CÔNG lý, giữ CÔNG quyền, nắm CÔNG cụ bạo lực (mật vụ, công an, cảnh sát, đảng Cần Lao, Lực lượng Đặc biệt, Đoàn Công tác Miền Trung, Chín Hầm, P42) trong tay, bảo rằng tôn giáo này là "CÔNG giáo" thì cả nước dù có bất đồng ý kiến cũng phải chịu cảnh "con kiến mà kiện củ khoai" !
Bất chấp dư luận báo chí và nguyện vọng của quần chúng, chế độ Ngô Đình Diệm và Đảng Cần Lao Công giáo đã cấu kết với Giáo hội Catholic Việt Nam "cả vú lấp miệng em" để áp đặt hai chử "Công giáo" quái đản và ngược ngạo vào ngôn ngữ Việt Nam.
Để phản đối điều nầy, những người có ý thức được vấn đề chính danh vẫn dùng danh từ riêng "Thiên Chúa giáo" hay "Cơ Đốc giáo" thay vì "Công giáo" khi nói hoặc viết. Điều nầy thể hiện rõ rang nhất ngay trong những sách giáo khoa xuất bản sau ngày chế độ Diệm bị lật đổ. Đến ngày hôm nay, nhiều người vẫn không quen dùng hai chử "Công giáo" khi nói hoặc viết, mà vẫn dùng chữ đạo Gia Tô, Cơ Đốc, Ki-Tô, hoạc đạo Thiên Chúa. [9]
Ngày nay, hai chữ Công giáo đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy mà những người Thiên Chúa giáo Việt Nam với trái tim La Mã đã áp đặt lên dân tộc Việt Nam.Chữ Công giáo trở thành một danh từ riêng như bao danh từ riêng khác. Nhưng những danh từ riêng trong tiếng Việt đều có nghĩa riêng đặc thù của nó, còn hai chữ "công giáo" nữa riêng nữa chung, mập mờ vừa công vừa tư, thì có ý nghĩa gì ? Có thể gượng gạo mà giải thích cho các thế hệ trẻ mãi chăng ?
Trình độ dân trí của người Việt Nam cũng được nâng cao, khó có thể mà tròng tréo che mắt họ bằng danh từ hoa mỹ nữa. Trào lưu Dân chủ và Nhân bản đang lên cao trên thế giới, liệu những người đầy mặc cảm mang "tội tổ tông" có thể thực hiện được giấc mộng dâng đất nước nầy cho Chúa Trời (và Đức mẹ) qua bàn tay của Giáo hoàng La Mã không ?
Mục đích ban đầu đã mất ! Hai chữ "công giáo" còn lại gì ngoài việc làm chứng tích cho một thời kỳ đau buồn trong lịch sử ? Còn lại gì ngoài việc nhắc nhở người nghe chính sách tàn bạo của một chế độ Ngô Đình Diệm đã bị dân tộc vất vào sọt rác lịch sử ? Còn lại gì ngoài việc gợi cho những nạn nhân nhớ lại những ngày thánh hãi hùng mà họ đang cố quên đi ? Và còn lại gì ngoài việc làm hoen ố lời Chúa dạy – vốn đã bị con người làm hoen ố nhiều rối – thêm nữa ?
Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ
Ngày nào danh từ "Công giáo" vẫn còn thế chổ cho danh từ "Thiên Chúa giáo" (hay đạo "Catô La Mã") thì ngày đó Thiên Chúa chỉ có nghĩa là Công, và các thế hệ tín đồ sau nầy còn phải gánh chịu bia miệng của cuộc đời do các Cha, trong một phút ngông cuống và xuẩn động dưới thời Ngô Đình Diệm, đã gây ra !
Nguyễn Hy Thần
[1] Việt Nam Tự Điển do Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Khai Trí phát hành, 1970
[2] Ibid, trang 217
[3] Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh định nghĩa "công giáo là một tôn giáo được quốc gia chứng nhận"
[4] Few young Vietnamese grew up in the US think that the word "công giáo" originated from the English word "catholic" which means "general" or "universal". This is of course a single simple-minded ! The word "catholic" and "Catholic" tatally differ in their English meanings. Not just because the two words have the same pronunciation, they can be translated interchangeably.
Besides, if the word "công giáo" is a translation of a foreign word as claimed, shouldn't it be from Dutch, Spanish, Portugese or especially French ? Weren't those countries where all missionaries coming to Vietnam originated from ? Why English, a language virtually unpopular in Vietnam until the late 50's ?
[5] Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh, xuất bản năm 1838, trang 122
[6] Một vài ví dụ như trong "Bảy ngày Trong Đồng Thap Mười" (Nguyễn Hiến Lê, 1954) dùng danh từ "đạo Gia Tô" để chỉ Catholics. Sách báo thời tiền chiến (Tự Lực Văn Đoàn …) cũng chỉ dùng Thiên Chúa giáo, đạo Cơ Đốc hoặc đạo Gia Tô. Những cuốn sử khác như Việt Nam Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn hoặcViệt Nam Chiến Sử (do Phòng Quân Sử VNCH xuấy bản), ngoài chữ Cơ Đốc giáo hoặc Gia Tô giáo thì thỉnh thoảng có dùng chữ công giáo. Tuy nhiên, hai cuốn sử nầy được phát hành vào đầu thập niên 1970, là lúc hai chữ "công giáo" đã ra đời hơn 15 năm rồi.
[7] Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Đào Duy Anh, 1938, trang 125.
[8] Bây giờ, chữ "công" được giải thích là công cọng trong cái nghĩa "hoàn vũ" (universal). Nhưng điều nầy cũng không ỗn vì hoàn vũ chỉ là một trong ba thuộc tính của Giáo hội Công giáo (hai thuộc tính kia là Thánh thiện và Duy nhất), tại sao lại chọn thuộc tính "công/hoàn vũ" mà không chọn hai thuộc tính kia vốn cũng có ý nghĩa giá trị hơn nhiều ? Vì vậy, giãi thích nầy chỉ là một lời ngụy biện để lạc dẫn người nghe hầu che dấu một ý đồ tồi tệ trong quá khứ mà thôi.
[9] Sau 1975, tại hải ngoại, một số người Việt lại dùng nhóm chử "Catô La Mã" để dịch chữ "Roman Catholic" là danh xưng tiếng Anh được hầu như cả thế giới dùng phổ quát trong mọi lãnh vực để chỉ tôn giáo do Vatican lãnh đạo. Có lẽ danh xưng "Catô La Mã" nầy, về mặt ngữ nghĩa cũng như thực tiễn, là đúng nhất.
No comments:
Post a Comment