Trần Khải
Hình ảnh những người dân Tây Tạng tự thiêu trong tuyệt vọng vẫn là những gì không quên được, khi bạn nhìn thấy. Một thanh niên phựt lửa, vừa chạy vừa hô khẩu hiệu, và chạy tới khi gục ngã. Một phụ nữ tắm người trong lửa, đứng giữa chợ hô khẩu hiệu đòi độc lập Tây Tạng.
Tuyệt vọng, nhưng thế giới vẫn im lặng. Vẫn làm như không nghe, không thấy, không biết. Lương tâm người nhìn thấy bị cắn rứt, nhưng không làm gì hơn được, khi Liên Hiệp Quốc vẫn lặng lẽ.
Người ta sẵn lòng lớn tiếng về Trung Đông, về các vấn đề Hồi Giáo, phần lớn vì quan ngại về cuộc chiến khủng bố, về những người bạn của al-Qaeda và Taliban... nhưng người ta an tâm về Phật Giáo Tây Tạng, những người mà ai cũng biết rằng đang giữ giới không giết người, và không hề mang tâm sát nhân ngay cả đối với những người Trung Quốc đang cai trị họ.
Do vậy, Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong tuần naỳ mới cảnh cáo rằng cộng đồng quốc tế có thể đang đẩy các vận động hòa bình về hướng biểu tình bạo động hơn bằng cách can thiệp vào Mùa Xuân Ả Rập, nhưng không chống đối gì chuyện Trung Quốc đàn áp ở Tây Tạng.
Thủ Tướng Lobsang Sangay, 43 tuổi, một học giả tốt nghiệp Harvard, nói rằng trong khi các lãnh tụ Phật Giáo Tây Tạng vẫn giữ lập trường dân chủ và bất bạo động, thì những phong trào bên lề khác có thể diễn giải qua hành động của Tây Phương rằng chỉ có biểu tình bạo động mới được hỗ trợ từ các siêu cường.
Đó là lời của Sangay nói trong bài diễn văn kỷ niệm một năm giữ chức Kalon Tripa, tức là chức Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong, khi ông kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra về hàng loạt vụ tự thiêu trong và ngoài Tây Tạng.
Ông Sangay nói rằng, trong khi cuộc tự thiêu của một người Tunisia hồi tháng 12-2009 là tác nhân bùng khởi Mùa Xuân Ả Rập, trong đó cộng đồng quốc tế mạnh mẽ can thiệp, thì "Tây Tạng tới giờ đã là một Mùa Xuân Ả Rập trong nhiều thập niên rồi."
Đã có ít nhất 49 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối chính sách TQ đàn áp ở Tây Tạng kể từ tháng 3-2011, khi một vị sư trẻ tự thiêu ở tỉnh Tứ Xuyên để kỷ niệm năm thứ 3 của cuộc biểu tình tại Tu Viện Kirti, trong đó có ít nhất 10 người Tây Tạng bị bắn chết và từ đó bùng khởi làn sóng biểu tình bạo động.
"Bi kịch tại Tây Tạng đang diễn ra trong 50 năm qua, nhưng phản ứng của quốc tế không nhiều như Mùa Xuân Ả Rập," theo lời Sangay nói trong bài diễn văn tại Câu Lạc Bộ Phóng Viên Quốc Tế Vùng Nam Á (FCCSA) ở New Delhi mấy ngày trước.
"Bỏ quên chúng tôi, hay không hỗ trợ chúng tôi, có thể gửi một thông điệp tới các phong trào bên lề khắp thế giới rằng có lẽ không nên chiến đấu bằng phương tiện dân chủ và bất bạo động."
Tuy ông thất vọng vì quốc tế không ủng hộ cuộc chiến bất bạo động cuả dân tộc Tây Tạng, nhưng cả ông và Đức Đạt Lai Lạt Ma đều mạnh mẽ kêu gọi đừng dùng phương tiện tự thiêu.
Thủ Tướng Sangay nói rằng tình hình tệ hại thêm ở Tây Tạng từ khi ông nhậm chức hồi tháng 8-2011, khi chính phủ TQ xiết vòng đai quanh Tây Tạng, không cho du khách quốc tế vào, và liên tục sách nhiễu người Tây Tạng hành hương và cư dân.
Những người Tây Tạng liên hệ tới việc tổ chức biểu tình khi bị bắt "thường bị trả tấn và đôi trường hợp bị mất tích," và TQ bây giờ quan tâm về trị an hơn là chuyện đối ngoại.
Ông nói, vùng Tây Tạng bây giờ đã quân sự hóa cao độ, và là một trong những nơi dao động, bất ổn, và dân Tây Tạng đang chịu đau khổ, "Đó là lý do vì sao, khi bị kềm chế tự do phát biểu, dân Tây Tạng đã, một cách bất hạnh, tự thiêu như một hình thức phản kháng."
Dù vậy, Sangay nói ông hy vọng các sự kiện gần đây như Mùa Xuân Ả Rập, và việc trả tự do cho lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ lôi kéo Bắc Kinh tới phương pháp trung dung hơn với Tây Tạng.
Và TQ đã không đem tới một thiên đường xã hội chủ nghĩa như đã hứa cho Tây Tạng khi xâm chiếm hồi năm 1959, và đã tới lúc chính phủ TQ công nhận thất bại toàn diện của các chính sách trọng tâm về Tây Tạng.
Ông nói, chính phủ TQ phải nhận thấy như thế, hay là sẽ có ai đó thúc giục họ nhận ra như thế.
Một điểm cần ghi nhận, Mỹ và Liên Âu ưu tiên bận tâm về Kuwait, Iraq, Syria, Iran, Libya, Tunisia... vì vùng Trung Đông và Bắc Phi là mỏ dầu của thế giới. Trong khi Tây Tạng không phải thế.
Thêm nữa, Mỹ và Liên Âu hào hứng kềm chế thế giới Hồi Giáo, vì lo sợ quân khủng bố al-Qaeda và cũng vì trong tiềm thức mang sẵn tâm thức thánh chiến của Ky Tô Giáo, muốn đưa quân hướng về thánh địa Jerusalem, nơi họ đã lấy đất này từ dân tộc Hồi Giáo Palestine để trao tặng cho dân tộc Do Thái Giáo Israel từ sau Thế Chiến 2.
Còn chuyện các nhà sư Tây Tạng thì xa quá. Vừa không có dầu, vừa không dính gì tới nỗi lo tiềm thức của họ./.
Trần Khải
No comments:
Post a Comment