2012/09/30

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 1

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ

Bài số 1

HỒ TẤN VINH

Chánh nghĩa là điểm hội tụ để mọi người nhìn vào và đồng ý thực hiện. Chánh nghĩa là cái lý do để mọi người lên đường và hy sinh. Trong đại cuộc, chánh nghĩa là món trân quý nhứt, phải có nó thì rốt cuộc mới thắng. Cái quái đản nhứt trong cuộc chiến Việt Nam là mỗi bên giao tranh, một lúc nào đó đều có cơ hội nắm chánh nghĩa trong tay mà lại không biết trân quý nó, phát huy nó, lại ngược đời đem chánh nghĩa trong tay mình dâng cho kẻ địch.

I - TỪ 1954 ĐẾN 1975, MỸ CHO VIỆT CỘNG CHÁNH NGHĨA
1.- CÁC LỰC LƯỢNG VÕ TRANG TẠI MIỀN NAM TỪNG CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG CỘNG NĂM 1954
VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MIỀN NAM
Năm 1945, bộ đội VNQDĐ do Phạm Hữu Đức chỉ huy sau khi Tư lịnh Đệ tam Sư đoàn Nguyễn Hòa Hiệp về thành. Phạm Hữu Đức (Tư Đức) là con một đảng viên VNQDĐ miền Nam bị đày và bỏ thây tại Côn đảo.
Năm 1945, Phạm Hữu Đức là một nhân viên cao cấp trong hiến binh Nhựt và trong lúc Nhựt giao cho Phạm Hữu Đức trách nhiệm lùng bắt Trần Văn Giàu, thì Trần Văn Giàu được Pháp báo tin trước nên chạy trốn, nhưng lại trốn trong nhà Phạm Hữu Đức và được Phạm Hữu Đức nuôi và dấu trong tinh thần ‘đoàn kết chống Tây’.
Ngược lại, Tư Đức lúc đang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 (thối thân của Đệ tam Sư đoàn Nguyễn Hòa Hiệp) thì bị Nguyễn Bình buộc phải nhận một cán bộ CS là Kiều Mãnh Giá làm chánh trị viên Trung đoàn. Kiều Mãnh Giá nằm phục trong Trung đoàn 5 rất lâu, mãi đến ngày 1-8-1948 mới có cơ hội uy hiếp Phạm Hữu Đức về trình diện Khu trưởng Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ. Phạm Hữu Đức hiểu ngay tình thế. Vốn là một tay thiện xạ, Phạm Hữu Đức rút súng bắn hạ Kiều Mãnh Giá liền. Nhưng đám cận vệ nằm vùng của Giá xả súng bắn chết Tư Đức.
Từ đó, VNQDĐ miền Nam không còn bộ phận quân sự, chỉ còn bộ phận chánh trị hoạt động mà thôi.
VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MIỀN TRUNG
Sinh hoạt của VNQDĐ miền Trung không có phối hợp với miền Nam. Sinh hoạt chánh của VNQDĐ miền Trung trước 1954 vẫn là sự đối đầu với Pháp và CS. Tuy nhiên, khi ông Diệm về nước chấp chánh thì VNQDĐ miền Trung không còn phải đối đầu với Pháp nữa mà lại phải đối đầu với CS và ông Diệm. Cụ Lê Nguyên Long, một lãnh tụ Việt Quốc miền Trung thuật lại như sau:
‘Thiết tưởng kẻ viết cần trình bày rõ là Quốc Dân Đảng miền Trung lúc đầu ủng hộ ông Diệm tích cực. Họ đã lên án Nguyễn Văn Hinh và ủng hộ ông Diệm để chống Cộng. Họ đã có cán bộ giữ chức vị Tỉnh trưởng và Quận trưởng ở hai tỉnh lớn Nam Ngãi (Quảng Nam Tỉnh trưởng Lê Trung Chi, Quảng Ngãi Phạm Đình Nghị). Phong trào tố Cộng ly khai Cộng Sản, xé đảng kỳ Cộng Sản, bắt đầu tháng 10-1954 do họ tiên khởi phát động ở Quảng Nam rồi sau mới lan ra toàn quốc, nhưng tay chân nhà Ngô nhận định: Nếu để uy thế Quốc Dân Đảng miền Trung lan tràn thì Phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao Nhân Vị do nhà Ngô đẻ ra sẽ tuyệt địa. Nên ông Diệm bất thần giải chức các Tỉnh trưởng và bắt giam hàng loạt các Quận trưởng Quốc Dân Đảng ở hai tỉnh Nam Ngãi và mật lệnh triệt hạ toàn bộ Quốc Dân Đảng (lại vu cáo Quốc Dân Đảng theo Pháp). Và, vì cớ ấy, khoảng tháng 3-1955 Quốc Dân Đảng miền Trung lập chiến khu để tự vệ và để quật khởi chống Diệm.’
. . .‘nhà Ngô đã tuyển chọn quân đội người Nùng - một binh chủng thiện chiến say máu - thời bấy giờ, và các chỉ huy trưởng có đảng tịch Cần Lao cầm quân vào các chiến khu Quốc Dân Đảng ở miền Trung với ác lệnh: giết sạch. Sự tấn công vào các chiến khu Quốc Dân Đảng còn tàn độc hơn hồi giặc Pháp đi ‘càn quét’ nhiều. Đốt thực phẩm đốt nhà, tra tấn giết người một cách tàn ác đã xảy ra ở Quế Sơn, Tiên Phước, Duy Xuyên v.v... vào những năm 1955-1956’.
Với lối tấn công ấy, nhà Ngô đã phá vỡ được chiến khu Ba Lòng của Đại Việt, nhưng không thể tiêu diệt các chiến khu Quốc Dân Đảng. Thuở đó quân du kích Quốc Dân Đảng Nam Ngãi đã giáng cho chính quyền địa phương Diệm nhiều đòn chí tử. Biết rõ không thể tấn công để thủ thắng, cuối cùng Ngô Đình Cẩn, bào đệ ông Diệm, lập kế mời về hợp tác. Lầm kế phỉnh gạt, hơn 2000 nghĩa binh Quốc Dân Đảng kéo về với đầy đủ vũ khí và làm lễ hợp tác tại Hội An cuối năm 1956. Nhưng sau đó bọn họ đều bị thủ tiêu và lần lượt bị bắt đi mất tích. (Khi ông Diệm đổ, một số trong bọn họ đã được thả ra, nhưng đều thân tàn ma dại)’ BẤT ĐẮC DĨ KHƠI LẠI ĐỐNG TRO TÀN, Online.

HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 30 tháng 9 năm2012
(còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

No comments:

Post a Comment