2012/11/04

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 22

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 22
HỒ TẤN VINH
       MỘT NGẢ ĐI VỀ
Dầu sao, bọn bất lương cũng đã thắng trận, nhưng cái nội lực dùng để thắng trận bây giờ đã biến thái. Trước đây, nội lực của CS dựa vào ba yếu tố đó là tuyên truyền xảo quyệt, hình ảnh xấu xa của chánh quyền Cộng Hòa và khủng bố, ép buộc. Sau 1975, CS đã lộ mặt thật rồi thì còn tuyên truyền gạt gẫm ai được nữa. Hình ảnh xấu của chánh quyền Cộng Hòa đã mất đi theo chế độ Cộng Hòa, nhưng người lính Cộng Hòa nhờ đó mà sáng giá. CS càng ác ôn thì người dân càng yêu mến người kính Cộng Hòa.
Rốt cuộc, để cai trị, CS chỉ còn có thể dựa vào yếu tố cưởng ép mà thôi. Đó là việc sử dụng võ lực của công an và quân đội để kềm kẹp nhân dân. Sự kềm kẹp không thể kéo dài mãi. Chính người cộng sản cũng đã biết chủ nghĩa sai, họ đang đi sai đường rồi. Chỉ có một vấn đề duy nhứt là làm sao quây lại cho êm.
Trong giai đoạn này, đó sẽ là công lao lớn nhứt đối với dân tộc và chỉ có người cộng sản hồi tâm mới làm được. Trong thế gian này, đường đi trăm lối, đâu là lối đi về?
Nhưng bây giờ dầu muốn dầu không, trong lúc chờ đợi, người dân vẫn phải sống. Làm sao cải thiện cuộc sống trong chế độ CS? Cho tới nay, tôi thấy xuất hiện hai xu hướng đấu tranh.
1.- Dân chủ hóa quốc hội
Có nhiều người nghĩ rằng dân chủ hóa quốc hội có thể giải quyết vấn đề. Dân chủ hóa quốc hội gồm có hai phần.
Phần thứ nhứt là mọi người được tự do ứng cử, không phải thông qua sự giới thiệu hay sự đồng ý của Mặt Trận Tổ Quốc và rộng rãi hơn, mời các Việt kiều về tham gia ứng cử để giúp nước. Và phần thứ hai là vận động công bằng, đếm phiếu ngay thẳng. Có quan sát viên quốc tế càng tốt.
Mời quí vị nghe Nguyễn Thanh Giang kể những rắc rối mà ông đã trải qua để tìm cách ứng cử vào quốc hội.
 ‘Xin nêu một ví dụ bản thân được chiêm nghiệm: Năm 1992, với tâm trạng mong muốn đưa tiếng nói của ngành địa chất vào Quốc hội, thấy tôi là một trí thức ngoài Đảng hiếm hoi thường có chính luận đăng trang nhất báo Nhân Dân, anh em trong cơ quan xúi tôi ứng cử Quốc hội khóa IX.
Tại Hội nghị Cử tri Địa phương, tôi được 96% phiếu bầu. Năm ấy, trong khu vực dân cư tôi ở, có 4 ứng cử viên Quốc hội. Bà Phạm Thị Trân Châu – giáo sư tiến sỹ của trường Đại học Tổng hợp Hànội được 100% phiếu; ông Nguyễn Duy Quý - ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội được 82%, bà Trần Thị Thanh Thanh - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng được 71%.
Trước ‘nguy cơ’ trúng cử Quốc hội rất cao của tôi, rầm rập những cán bộ Mặt trận Tổ quốc, công an . . . xuống cơ quan tôi chỉ đạo quyết liệt.
Lẽ ra phải thông báo công khai cho anh em trong cơ quan đến dự Hội nghị Cử tri Cơ quan và bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng họ đã được lệnh dẫm lên Luật Bầu Cử. Họ chỉ triệu tập đúng 16 người trong số hơn 400 người trong cơ quan (16 người này hầu hết là đảng viên và đều là cán bộ các tổ chức, phòng, ban và nói chung đều đã được dặn dò trước) đến bỏ phiếu. Thế là họ lấy lý do tại Hội nghị Cử tri cơ quan, tôi chỉ được 30% phiếu tín nhiệm nên nhẹ nhàng gạt tôi khỏi danh sách ứng cử viên Quốc hội (Tr. 54)
Đó là chỉ mới nộp đơn ứng cử thôi mà đã khó rồi thì phải qua mấy truông nữa mới có hy vọng trúng cử?
Thông thường, chúng ta đều hiểu ở các nước dân chủ, dân là chủ. Dân cử các đại diện cho mình để đi họp.  Vì vậy, các quốc hội ở các nước Tây phương là nơi tập trung quyền lực tối cao của nhà nước dân chủ. Trong chi tiết, quyền lực của quốc hội Pháp có thể khác quyền lực của quốc hội Mỹ hay Úc. Nhưng tựu chung, ta có thể biết rằng bình thường quốc hội biểu quyết ngân sách, thuế khoá cho hành pháp thi hành, biểu quyết luật lệ cho tư pháp thi hành, chất vấn chánh phủ và có khi lật chánh phủ luôn.
Quốc hội của người ta mạnh như vậy. Quốc hội ở Hà nội với Đảng CS, ai mạnh hơn ai? Ai là mẹ, ai là con? Đứa con thèm ăn cà rem, phải xin ai đây?
Nguyễn Thanh Giang lại kể một câu chuyện khác:
Điều 1 trong Luật Tổ chức Quốc hội công bố ngày 18 tháng 2 năm 1992 có ghi: ‘Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước’
Kiểm điểm lại, thấy có vẻ như Quốc hội khóa IX chưa quan tâm đúng mức tới việc thực hiện chức năng này. Trong một số kỳ họp có những đại biểu đã chất vấn thẳng thừng phía chính phủ. Tuy nhiên, nhiều vị bộ trưởng, nhiều quan chức nhà nước chỉ trả lời quấy quá, thậm chí có thái độ khinh thị mà quốc hội vẫn đành bỏ qua. (tr. 95)
Chuyện đã có xẩy ra thật như vậy. Quốc hội chất vấn bộ trưởng nhưng bộ trưởng khinh thị quốc hội. Quốc hội làm gì đây? Đi mua cà rem cho con nít ăn à?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ơi, tại sao ông lại phải chịu khổ cực và mất thì giờ để tìm cách vào quốc hội Hà Nội? Bây giờ  thí dụ không cần tranh đấu nữa mà hai điều kiện của một cuộc bầu cử dân chủ đã được cho không. Kết quả là ông TS Nguyễn Thanh Giang và cả trăm người Việt từ bên Mỹ trúng cử. Các ông vào quốc hội, ngồi chiếm hơn phân nữa số ghế, rồi các ông làm gì nữa đây?
2. – Đa đảng
Có người nghĩ rằng đa đảng là giải pháp. Đảng đây là đảng chánh trị thật sự chớ không phải là đảng cụi. Các đảng này phải tranh đấu cho được nhiều ghế trong quốc hội thì mới được mời gởi đại diện tham gia chánh phủ đoàn kết.
Để lấy một thí dụ cho dễ hiểu. Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, lảnh tụ một đảng trí thức Hải Ngoại, được mời làm Bộ Trưởng bộ giáo dục.
Có hai trường hợp xẩy ra.
Một là trong đầu ông không có gì cả và ông nhận chức vụ cho có danh mà thôi. Như vậy đảng hoan nghênh ông vô cùng vì sự có mặt của ông trong nội các đánh bóng tánh cách dân chủ của chế độ.
Trường hợp thứ hai là ông có kế hoạch hẳn hòi và ông tin tưởng mãnh liệt rằng nếu đem kế hoạch này ra thi hành thì sẽ có ích nước lợi dân. Đó là động cơ duy nhứt khiến ông tham gia chánh phủ.
Ông đọc cho thư ký đánh máy bản kế hoạch. Nếu người thư ký ngó ông cười trừ mà không đánh chữ nào hết thì ông làm sao? Ông bước ra ngoài bảo tài xế chở ông xuống trường học để quan sát, nếu người tài xế không chịu rồ xe thì ông làm sao?
Có công thì thưởng, có tội thì phạt. Quyền thưởng phạt, quyền chọn người và quyền đuổi người là quyền của cấp chỉ huy. Nhưng Giáo Sư Thúc không có những quyền đó. Đó là quyền của đảng. Người thư ký đánh máy, người tài xế lái xe chỉ làm theo lệnh của người có quyền thưởng phạt. Lệnh đó có khi là lệnh bắn vào đầu ông một viên. Cho nên rốt cuộc rồi, dầu đầu ông có sạn hay không, ông vẫn không làm gì được. Chỉ có thể làm cái bình bông.
Phạm Văn Đồng đã từng than rằng mặc dầu ông làm Thủ tướng nhưng ông cũng bất lực, vậy huống gì người ngoài đảng:
Tôi là Thủ tướng lâu nhất thế giới, cũng là thủ tướng khổ nhất thế giới. Làm thủ tướng thật, tôi chẳng có quyền gì hết. Bộ trưởng hay thứ trưởng có phải do tôi chọn đâu, họ làm không tốt thì không phải lỗi ở tôi’ Vũ Thư Hiên, tr. 294.
3. – Phi chánh trị lực lượng công an, quân đội và công chức
Có người đòi hỏi bỏ điều 4 Hiến pháp là điều dành độc quyền cai trị của đảng CS. Nếu bỏ điều này là chấp thuận đa đảng. Như tôi đã trình bày ở trên, chỉ có đa đảng không thôi thì chỉ có hình thức chớ không giải quyết bản chất của vấn đề.
Nước Việt Nam cùng cả trăm nước khác tham dự một cuộc đua quốc tế để giành hợp đồng, giành vốn đầu tư, giành thương ước, giành thị trường, giành chất xám . . . trong cuộc đua này Việt Nam lại phải mang một cục đá Xã Hội Chủ Nghĩa quá nặng nề nên chắc chắn phải thua. Nhưng cuộc đua này có dính dáng đến hằng triệu người trong nước có công ăn việc làm hay không chớ cai trị đâu chỉ là xuất khẩu lao động mà thôi.
Người có trách nhiệm với tương lai của đất nước phải sớm hiểu rằng cục đá Xã Hội Chủ Nghĩa làm trì trệ bước tiến của dân tộc. Lấy cục đá đó ra là cách duy nhứt để tranh đua với thiên hạ.
Làm sao để lấy cục đá đó ra?
Có nhiều cách, nhưng tìm tòi chi cho mất công. Cứ theo cách làm của các nước Tây phương. Về chánh trị thì các đảng kể cả đảng CS phải được tự do sinh hoạt. Nhưng:
Quân đội là để bảo vệ lãnh thổ
Công an là để đi bắt ăn cướp
Cảnh sát là để giữ trật tự
Các lực lượng cảnh sát, công an, quân đội và công chức là của chung, không được thuộc một đảng nào. Các đảng đoàn không được sinh hoạt trong các cơ sở nhà nước. Quân đội không có chánh trị viên.
Nếu cứ tiếp tục bày vẽ những hình thức dân chủ mà lòng thành không có thì sẽ không gạt được ai đâu. Phải thật sự bải bỏ dụng cụ kềm kẹp mới là thành khẩn.
Nếu thật sự có lòng thì đây là lối đi về.

Hồ Tấn Vinh
Melbourne
Khởi viết tháng 6, 2007
Bây giờ là ngày 4 tháng 11 năm 2012

THAM KHẢO:

  • KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY. Nguyễn Tiến Hưng, Hứa Chấn Minh XB, 2005.
  • HỒ CHÍ MINH, NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG. Hồ Sĩ Khuê, Văn Nghệ XB, 1993.
  • KỲ LỤC TỈNH. Hứa Hoành, Văn Hóa XB, 1993.
  • TÔI GIẾT NGUYỄN BÌNH. Trần Kim Trúc, Đồng Nai XB, 1972.
  • NHỮNG BÍ ẨN LỊCH SỬ DƯỚI CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM. Lê Trọng Văn, XB 1989.
  • CÔNG VÀ TỘI. Nguyễn Trân, Xuân Thu XB, 1992.
  • ĐẢNG CẦN LAO. Chu Bằng Lĩnh, Mẹ Việt Nam XB, 1993.
  • ĐẠI-VIỆT QUỐC-DÂN-ĐẢNG 1938-1995. Quang Minh, Văn Nghệ XB.
  • NHÂN QUYỀN VÀ DÂN CHỦ TẠI VIỆT NAM. Nguyễn Thanh Giang, Chính Luận XB, 2007, Sydney.
  • ĐÊM GIỮA BAN NGÀY. Vũ Thư Hiên, Văn Nghệ XB, 1997.
  • VIỆT NAM MỘT TRỜI TÂM SỰ. Nguyễn Chánh Thi, Anh Thư XB, 1987.
  • VIỆT NAM NIÊN BIỂU tập b. Chính Đạo, Văn Hóa XB, 1997.
  • 1945-1964 HAI MƯƠI NĂM QUA. Đoàn Thêm, năm Ất tỵ, Saigon.
  • DÂN TỘC SINH TỒN. Số 15 năm 2007.
  • PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC. Nguyễn Long Thành Nam - Đuốc Từ Bi XB 2006, online.
  • 25 NĂM KHÓI LỬA. Lý Tòng Bá- XB 1995.
  • VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI. Đỗ Mậu. Hoa Kỳ XB, 1988.

TB:
Tôi chân thành cảm tạ độc giả đã theo dõi 22 bài viết trong hơn một tháng qua. Tôi biết rằng có nhiều vị có ý kiến khác nhau hoặc về sử liệu hoặc về quan điểm.

Trong tinh thần dân chủ và ước muốn có sự trao đổi ngay thẳng, tôi đã nhận được một số ý kiến và tôi sẽ chờ ba ngày để đón nhận thêm các ý kiến chung kết của độc giả.

Tôi sẽ phổ biến tất cả ý kiến của quí vị vào ngày thứ Năm 8 tháng 11, năm 2012.

Xin đa tạ
HỒ TẤN VINH 

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

No comments:

Post a Comment