Pháp trở lại Việt Nam
Trần Gia Phụng
Thế chiến thứ hai bùng nổ ngày
3-9-1939. Đức tràn chiến xa tấn công Pháp tháng 5-1940. Thủ tướng Pháp
Paul Reynaud, mới cầm quyền ngày 23-3-1940, liền từ chức ngày 16-6-1940.
Thống chế Henri Philippe Pétain lên thay, đứng ra điều đình với Đức.
Pétain ký hiệp định đình chiến với Đức tại Compiègne ngày 22-6-1940,
giao cho Đức khoảng 3/5 nước Pháp ở phía bắc. Từ ngày 2-7-1940, chính
phủ Pétain dời đô đến Vichy, quận hạt Allier, vùng Auvergne, miền trung
nước Pháp, nên thường được gọi là chính phủ Vichy.
Thiếu tướng Charles de Gaulle, thứ trưởng bộ Quốc phòng (từ ngày
5-6-1940) trong chính phủ của thủ tướng Paul Reynaud, bỏ qua Anh. De
Gaulle lên đài phát thanh London ngày 18-6-1940, kêu gọi dân chúng thuộc
địa Pháp tiếp tục chiến đấu chống Đức. De Gaulle vận động và thành lập
Comité National Français (Uỷ Ban Quốc Gia Pháp) tại London ngày
24-9-1941.
Vì bị Nhật tấn công ở Pearl Harbor (Honolulu, Hawaii) ngày 7-12-1941,
Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật ngày 8-12-1941, rồi tuyên chiến với đồng
minh của Nhật là Đức, Ý ngày 11-12-1941. Hoa Kỳ thừa nhận UBQG Pháp ngày
9-7-1942, cắt đứt ngoại giao với chính phủ Pétain.
1. Pháp chủ trương trở lại Việt Nam
Charles de Gaulle qua các thuộc địa Pháp ở Phi Châu hoạt động. Ngày
3-6-1943, Uỷ Ban Giải Phóng Quốc Gia Pháp (UBGPQGP) (Comité Français de
la Libération Nationale) được thành lập tại Alger (Algérie). Ủy ban bầu
hai tướng Charles de Gaulle và Henri Giraud làm đồng chủ tịch, lãnh đạo
kháng chiến Pháp.
... Với các dân tộc đã biết xác định cùng một lúc tình cảm yêu nước và ý thức trách nhiệm chính trị của mình, nước Pháp đồng ý ban hành, trong lòng cộng đồng Pháp, một quy chế chính trị mới mà, trong khuôn khổ của tổ chức liên bang, những quyền tự do của các nước khác nhau trong Liên hiệp sẽ được nới rộng và xác lập; tính chất tự do rộng rãi của các chế độ sẽ được nhấn mạnh mà không mất dấu hiệu của nền văn minh và truyền thống Đông Dương; những người Đông Dương, cuối cùng, có thể nhận làm bất cứ công việc gì và chức vụ nào của Nhà nước. |
Lúc đó, quân đội Nhật đã xâm nhập và thao túng Đông Dương từ 1940, tuy
vẫn để nhà cầm quyền bảo hộ Pháp tồn tại. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương
là đô đốc Jean Decoux, thuộc quyền của chính phủ Pétain thân Đức.
Sau ba tháng thành lập, UBGPQGP chống Đức và chống Pétain, cử tướng René
Blaizot phụ trách Đạo quân Viễn chinh Viễn đông (Corps Expéditionnaire
d’Extrême-Orient) vào tháng 9-1943, nhắm đến mặt trận Đông Dương.
(Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952,
Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 145.) Tuy nhiên, mọi việc phải đợi
đến sau khi giải phóng xong nước Pháp ra khỏi tay Đức Quốc Xã.
Ngày 8-12-1943, cũng từ Alger, UBGPQG Pháp ra thông báo về chính sách đối với các nước Đông Dương, có đoạn như sau:
“... Với các dân tộc đã biết xác định cùng một lúc tình cảm yêu nước
và ý thức trách nhiệm chính trị của mình, nước Pháp đồng ý ban hành,
trong lòng cộng đồng Pháp, một quy chế chính trị mới mà, trong khuôn khổ
của tổ chức liên bang, những quyền tự do của các nước khác nhau trong
Liên hiệp sẽ được nới rộng và xác lập; tính chất tự do rộng rãi của các
chế độ sẽ được nhấn mạnh mà không mất dấu hiệu của nền văn minh và
truyền thống Đông Dương; những người Đông Dương, cuối cùng, có thể nhận
làm bất cứ công việc gì và chức vụ nào của Nhà nước.
Cùng với sự cải cách quy chế chính trị nầy, sẽ có một cuộc cải cách
quy chế kinh tế của cả Liên hiệp mà, trên căn bản tự trị về quan thuế và
thuế khóa, sẽ bảo đảm sự phồn thịnh của Liên hiệp và góp phần vào sự
phồn thịnh của các nước lân bang...” (Philippe Devillers, Paris Saigon Hanoi, Paris: Gallimard-Julliard, 1988,tr. 23.)
Ngày 1-2-1944, De Gaulle ra lệnh cho tướng René Blaizot thành lập Lực
lượng Viễn chinh Pháp tại Viễn đông (F.E.F.E.O = Forces Expéditionnaires
Françaises d'Extrême-Orient), gồm 2 lữ đoàn thuộc địa là Madagascar và
Cameroun, và một đơn vị khinh binh ứng chiến (Corps Léger
d'intervention). Đạo quân F.E.F.E.O được đặt dưới Bộ Chỉ huy Đồng minh
tối cao Đông Nam Á do đô đốc người Anh là bá tước Louis Mountbatten điều
khiển. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, sđd. tr. 145.)
Trong cuộc họp của UBGPQG Pháp do De Gaulle chủ trì tại Brazzaville ở
Congo, được xem là thủ phủ của Pháp tại Phi Châu, từ 30-1 đến 8-2-1944,
để thảo luận về các vấn đề thuộc địa sau thế chiến thứ hai, bản tuyên bố
vào cuối Hội nghị có đoạn viết:
“Các mục đích của sự nghiệp thực dân mà nước Pháp thực hiện tại các
thuộc địa đã loại bỏ ý định tự trị, mọi khả năng tiến hóa ngoài khuôn
khổ đế quốc Pháp: cơ cấu một chính phủ tự trị có thể có tại các thuộc
địa dù cho còn lâu mới được thực hiện, phải bị loại trừ.” (Hoàng Hiển, Vua Duy Tân, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1996, tr. 90.)
Ngày 24-8-1944, trung tướng Philippe Leclerc de Hautelocque (gọi tắt là
Leclerc) dẫn quân giải phóng Paris. Chính phủ Vichy của thống chế Pétain
sụp đổ. Charles de Gaulle trở về thủ đô Pháp, lập chính phủ lâm thời
ngày 10-9-1944. (De Gaulle làm thủ tướng lâm thời đến ngày 20-1-1946 thì
từ chức. Chủ tịch quốc hội là Félix Gouin được cử lên thay ngày
24-1-1946.)
Ngày 13-9-1944, chính phủ lâm thời Pháp quyết định chuyển gấp hai sư
đoàn cho tướng René Blaizot. Ngày 26-10-1944, tướng Blaizot đến đặt bản
doanh tại Kandy (Tích Lan = Ceylon tức Sri Lanka từ 1972), thành lập lực
lượng viễn chinh Á Châu. Nơi đây Hoa Kỳ và Anh lập bộ chỉ huy Đồng minh
tối cao Đông Nam Á (Supreme Allied Commander South East Asia Theatre)
năm 1943, do đô đốc Louis Mountbatten đứng đầu. Pháp muốn nhờ Anh và Hoa
Kỳ trang bị và chuyên chở quân sự sang Đông Dương, nhưng hai nước nầy
đang lo việc phản công chống quân Nhật, vì lúc đó Nhật còn chiến đấu ở Á
Châu.
Tiếp đó, ngày 9-3-1945 Nhật lật đổ nhà cầm quyền bảo hộ Pháp ở Đông
Dương, chủ trương để cho Việt Nam độc lập. Vua Bảo Đại công bố bản Tuyên
ngôn độc lập ngày 11-3, làm cho De Gaulle rất tức giận. Gần nửa tháng
sau, ngày 24-3-1945 thủ tướng De Gaulle tuyên bố về vấn đề Đông Dương
như sau:
“Liên bang Đông Dương sẽ hợp cùng với nước Pháp và các thành phần
khác trong cộng đồng thành Liên Hiệp Pháp, mà nước Pháp sẽ đại diện để
đảm trách những quyền lợi ở bên ngoài. Đông Dương sẽ được hưởng nền tự
do riêng trong Liên Hiệp nầy.
Những người thuộc quốc tịch liên bang Đông Dương sẽ là công dân Đông
Dương và công dân Liên Hiệp Pháp. Với tư cách nầy, họ sẽ được giữ một
cách công bằng theo khả năng mọi chức vụ và công việc liên bang ở Đông
Dương cũng như trong Liên Hiệp Pháp, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo,
nguồn gốc.
Những điều kiện theo đó Liên bang Đông Dương sẽ tham gia vào các cơ
chế Liên Hiệp Pháp, cũng như quy chế công dân Liên Hiệp Pháp, sẽ được ấn
định bởi Hội đồng lập hiến.” (Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, Le salut: 1944-1946, Paris: Plon, 1959, tr. 439.)
Đức đầu hàng Đồng minh ngày 7-5-1945. Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô họp thượng
đỉnh tại Potsdam (Đức) ngày 17-7-1945. Pháp không được tham dự, nhưng
Paris biết ngay nội dung của tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945 của Anh,
Hoa Kỳ và Trung Hoa gởi cho Nhật về việc giải giới quân đội Nhật tại
Đông Dương. Ngày 11-8-1945, bộ Ngoại giao Pháp gởi thư cho Hoa Kỳ, Anh,
Liên Xô và Trung Hoa đề nghị giao việc giải giới quân đội Nhật tại Đông
Dương cho Pháp. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A, Houston: Nxb. Văn Hóa: 1996, tr. 241.)
Sau đó, thủ tướng Charles De Gaulle qua Hoa Kỳ thương thuyết với tổng
thống Harry Truman trong hai ngày 22 và 24-8-1945. Tổng thống Truman
nhận chức thay thế tổng thống Franklin Roosevelt từ trần ngày 12-4-1945.
Harry Truman từ bỏ chủ trương International Trusteeship ở Đông Dương
của Roosevelt. Trước khi rời Hoa Kỳ, De Gaulle tuyên bố sẽ thiết lập một
chế độ mới tại Đông Dương gồm cả người bản xứ và kiều dân Pháp, do một
đại diện của chính phủ Pháp chủ trì, sẽ có một nghị viện và một nền kinh
tế tự do. Quân đội Pháp sẽ giải giới quân đội Nhật ở Đông Dương. (Chính
Đạo, sđd. tr. 250).
Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ đưa đề nghị ngày 28-8 rằng Anh sẽ giải giới quân
Nhật trên toàn cõi Đông Dương, hoặc Pháp nhận lễ đầu hàng của quân Nhật ở
miền nam vĩ tuyến 16, còn các tướng lãnh Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16
làm lễ đầu hàng ở Trung Hoa. Hai ngày sau (30-8), ngoại trưởng Hoa Kỳ
trả lời rằng không thể đi ngược lại quyết định trong tối hậu thư
Potsdam, nhưng Pháp có thể dàn xếp riêng với Anh và Trung Hoa. (Chính
Đạo, sđd. tt. 248, 250, 252, 254.)
Lúc đó, chiến tranh vừa chấm dứt ở Âu Châu. Hoa Kỳ cần sự hợp tác của
Anh và Pháp để thực hiện các kế hoạch hậu chiến, nên Hoa Kỳ uyển chuyển
với Pháp, không cản trở việc Pháp kiếm cách trở lại Đông Dương. Hoa Kỳ
chuyển trách nhiệm về phía Anh và Trung Hoa.
Có thể do sự mềm dẻo của chính phủ Hoa Kỳ, các thương thuyền Hoa Kỳ đã
chở từ 14,000 đến 24,000 quân Pháp đến Việt Nam từ tháng 10 đến tháng
12-1945. (Patricia K. Lane, “Éléments sur la mise en oeuvre de la politique américaine envers l'Indochine, 1940-1945”,
đăng trong Les Cahiers de l'Institut D'Histoire Du Temps Présent,
Paris: Charles-Robert Ageron và Philippe Devillers chủ biên, số 34,
tháng 6-1996, tr. 33.)
2. Pháp gởi quân qua Đông Dương
Thủ tướng Charles de Gaulle cử tướng Leclerc làm chỉ huy lực lượng lục
quân Pháp ở Đông Dương ngày 16-8-1945. Hôm sau 17-8-1945, De Gaulle ký
nghị định thành lập chức cao uỷ Pháp tại Đông Dương (Haut-commissaire de
France pour l'Indochine), có quyền hạn của một toàn quyền kiêm chỉ huy
hải lục không quân Pháp ở Đông Dương. Ông cử người cộng sự thân tín là
đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu, gốc linh mục Ky-Tô giáo La-Mã, giữ
chức vụ nầy.
Trước khi quân đội Nhật Bản chính thức tuyên bố đầu hàng (14-8-1945), bộ chỉ huy Pháp ở Calcutta (Ấn Độ) ra lệnh cho người Pháp nhảy dù xuống Đông Dương ngày 13-8-1945, kể cả những nhân viên dân sự. Nhiều toán người Pháp được thả xuống ở Bắc và Trung Kỳ. Đa số bị giết hoặc bị bắt giam. |
Ngày 17-8, Leclerc rời Paris qua Đông Dương. Trên đường đi, Leclerc ghé
Kandy (Tích Lan) ngày 22-8 theo lời mời của đô đốc Louis Mountbatten,
chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh ở Đông Nam Á. Trong cuộc gặp gỡ, bá
tước Mountbatten cho Leclerc biết rõ nội dung tối hậu thư Potsdam.
Mountbatten cho biết hy vọng thủ tướng De Gaulle, đang viếng thăm Hoa Kỳ
(từ 22-8-1945), có thể sẽ thuyết phục tổng thống Harry Truman xem xét
lại các thỏa ước và hy vọng Truman sẽ áp lực với Tưởng Giới Thạch, để
giao cho Pháp việc giải giới quân Nhật. Leclerc liền điện về cho chính
phủ Pháp, nhưng quyết định Potsdam vẫn không được sửa đổi. (Philippe
Devillers, sđd. tt. 149-150.)
Leclerc yêu cầu chính phủ Pháp gởi ngay quân sang Đông Dương. Tuy nhiên
Pháp thiếu phương tiện chuyên chở. Lelerc phải nhờ đến Anh và Hoa Kỳ.
Mountbatten tận tình giúp máy bay, tàu đổ bộ, nhiên liệu, vũ khí, thiết
bị thay thế, thuốc men, thực phẩm...
Trước khi quân đội Nhật Bản chính thức tuyên bố đầu hàng (14-8-1945), bộ
chỉ huy Pháp ở Calcutta (Ấn Độ) ra lệnh cho người Pháp nhảy dù xuống
Đông Dương ngày 13-8-1945, kể cả những nhân viên dân sự. Nhiều toán
người Pháp được thả xuống ở Bắc và Trung Kỳ. Đa số bị giết hoặc bị bắt
giam.
Tối 22 rạng 23-8-1945, Pierre Messmer, uỷ viên Cộng Hòa Pháp ở Bắc Kỳ và
hai đồng sự là Brancourt (dược sĩ, đại úy) và Marmot (trung sĩ truyền
tin) nhảy dù xuống gần Phúc Yên, bị bắt cả toán. (Archimedes L. A.
Patti, Why Viet Nam?, California: University of California Press,
Berkely, 1980, tr. 260.) Về sau Messner trốn thoát được một cách khó
khăn. (Philippe Devillers, sđd. tr. 150.)
Từ Côn Minh hay Kunming (Vân Nam, Trung Hoa), một người Pháp khác là
trung tá hải quân Blanchar, nhảy dù xuống Hải Phòng ngày 16-8, đi lên Hà
Nội ngày 22-8 bằng đường bộ. Blanchar cùng bốn đồng đội bị quân Nhật
bắt, và chuyển đến Hà Nội ngày 23-8-1945.
Hôm trước (22-8), Jean Sainteny, trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Trung
Hoa (trở thành ủy viên Cộng Hòa Pháp ỏ Bắc Kỳ từ 2-10-1945 thế Messner),
cùng bốn đồng đội được A. Patti, thiếu tá tình báo nhóm O.S.S. 202 (Hoa
Kỳ), đưa từ Côn Minh đến phi trường Gia Lâm (Hà Nội) trên chiếc Dakota
của Không lực Hoa Kỳ.
Jean Sainteny vào ở dinh toàn quyền Pháp cũ, liên lạc với giới dân sự
Pháp, tìm cách nhận lại những tù binh chiến tranh Pháp bị quân Nhật bắt.
Ngày 27-8-1945, Võ Nguyên Giáp, đại diện Uỷ ban Giải phóng của Việt
Minh, đến thăm xã giao, nhưng sau đó, Sainteny cùng đồng đội bị giam
lỏng trong dinh toàn quyền dưới sự kiểm soát của người Nhật, không liên
lạc được với ai cả. (Philippe Devillers, sđd.tr. 151.)
Ngày 29-8-1945, Leclerc đáp máy bay qua Nhật, đại diện Pháp, ký vào hiệp
ước đầu hàng của Nhật ngày 2-9-1945 trên chiến hạm Missouri, thả neo
trong vịnh Đông Kinh (Tokyo). Chỉ huy trưởng lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật
Bản, tướng Douglas Mac-Arthur đã nói với Leclerc: “Nếu tôi được khuyên ngài, thì ngài hãy đem theo [qua Đông Dương] nhiều quân sĩ, nhiều nữa, càng nhiều theo sức ngài.” (Nguyên văn lời của Mac-Arthur: “Bring troops, more troops, as many as you can.”). (Philippe Devillers, sđd. tr. 150.)
Như thế, rõ ràng cả Hoa Kỳ và Anh đều khuyến khích và tạo điều kiện cho Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương.
Trần Gia Phụng
(Toronto, 23-08-2015)
Khai Dân Trí | Trần Gia Phụng |
No comments:
Post a Comment