Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 24.08.2015
Phạm tội ác chỉ vì nghèo
Cứ
mỗi năm tháng qua đi lại thấy người dân Việt
Nam
càng khổ hơn. Năm nay khổ hơn năm ngoái, năm ngoái khổ hơn năm xưa và cứ thế nỗi
khổ ngày càng tăng. Rồi mai đây sẽ như thế nào, chưa ai đoán trước được điều gì
xảy ra. Điều gì cũng có thể xảy ra nếu người dân cứ mãi ở trong tình trạng như
thế này.
Chính cái nghèo đã làm nên quá nhiều tội ác, dồn dập trong 4 tháng gần đây 4 vụ thảm án xảy ra trong
đó có những vụ giết người vì nghèo quá chẳng còn biết làm gì hơn là đi ăn cắp,
ăn cướp, nếu bị lộ thì giết, giết cả người già, giết luôn người tình và giết cả
trẻ con.
Bạn hãy nghe tên giết người khai trắng trợn rằng: “Đã giết người xong
thì không còn hối hận gì nữa” và thấy cháu Trần Văn Tuyền (2 tuổi), là con trai
anh Long, chị Hoa đang đứng trên giường trong lán, Hùng cũng chém chết luôn,
Hùng nói “bố, mẹ nó chết rồi, sẵn bực trong người nên chém chết luôn, nhỡ sau
này nó lớn lên trả thù”. Quả là mất hết nhân tính.
Cái nghèo đã đưa đẩy người nông dân VN từ chỗ thiếu thốn, vật vã
thương bố mẹ, thương vợ con, mặc cảm với chính bản thân vô dụng của mình nên
phải tìm cách ăn cắp, người nào bạo gan thì rủ thêm bạn bè đi ăn cướp.
Ăn cướp có tính toán, có “lộ trình, kế hoạch” hẳn hoi. Thằng nghèo
nghe nói có tiền nhanh là đâm đầu đi theo. Cái đà ấy đưa con người lương thiện
vào tội ác.
Chẳng ai bỗng dưng muốn trở thành kẻ trộm cướp cả. Tất cả vì “hoàn
cảnh” tạo nên mà thôi.
Vấn
đề giáo dục ở VN quá thiếu sót. Học làm người tử tế thì ít, học vẹt, học giả,
học giùm thi hộ thì nhiều. Hoặc nghe toàn những lời sáo rỗng như việc khai giảng
khóa học do Bộ
Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 12-8 ở Hà Nội
vừa qua, các
cháu đội nắng, xếp hàng vẫy cờ đợi lãnh đạo, rất nhiêu khê, khổ sở; phải nghe
những bài phát biểu của lãnh đạo sở, tỉnh, huyện mà các cháu không hiểu gì
cả.
Quá vô ích.
Hơn thế, cái khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng nới
rộng quá xa. Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. Cái sự giàu sang hàng ngày
phơi ra trước mắt, cái nghèo bị khinh khi, buộc phải “bán sức, bán thân” cho
người giàu. Nhất là những kẻ giàu sang trên xương máu, ruộng vườn của người nông
dân. Xã hội vẫn dửng dưng trước mọi bất công, coi đó là chuyện tất nhiên của
loài người, chuyện bình thường của xã hội. Như thế tội ác ngày càng nhiều. Bọn
bóc lột ngày càng lộng hành. Đến nỗi người dân phải kêu lên: “đừng xiết nữa, dân
khổ lắm rồi”. Và ngay trong cuộc họp Quốc hội kỳ này cũng đã chứng minh điều đó
bằng các thứ thuế, phí đánh lên đầu dân.
Sự liên hệ giữa trộm cướp và cái
nghèo
Theo
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố sau khi thực
hiện khảo sát “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt
Nam”.
Nông dân ngày càng nghèo hơn, GDP bình quân đầu người ở nông thôn chỉ hơn Campuchia, năng suất lao động
của người Việt Nam nằm ở nhóm thấp nhất thế giới... Những
thông tin này là chuỗi kéo dài những thông tin rất đau lòng xảy ra trong những
ngày qua: Ở Vĩnh Long, một phụ nữ lẻn vào phòng bệnh nhân, bị phát hiện đã vung
dao đâm thẳng vào mặt bé trai 11 ngày tuổi. Tại Quảng Trị, nam thanh niên vào một nhà giàu lấy cắp 50 triệu đồng, bị
bắt quả tang liền sát hại cả 2 người trong nhà. Ở Quảng Nam, hàng chục trẻ em bị
lừa vào Lâm Đồng để bán cho những nơi cần lao
động...
Sau khi đọc bản tin của hầu hết các báo tường thuật phiện họp Quốc
hội (QH) vào ngày 10-8, nhiều bạn đọc không tin nổi con số hơn 1.000 loại phí và
lệ phí đánh vào nông nghiệp được trình lấy ý kiến QH. Con số này quả là không
tưởng nổi đối với một ngành nông nghiệp kém phát triển và mấy chục triệu nông
dân còn quá khó khăn như ở VN.
Cái nghèo còn khiến người nông dân từ bỏ ruộng vườn, lần mò ra thành phố kiếm miếng cơm, trẻ con đi ăn xin vô cùng cơ cực.
Ngoài
ra, tại các vùng nông thôn có rất nhiều vụ trọng án như vậy, nghi can đều không
phải là tội phạm chuyên nghiệp nhưng mức độ tàn độc và hậu quả gây án đều thảm
khốc. Và, quan sát kỹ, sẽ thấy có sợi dây liên hệ rất gần gũi giữa hoàn cảnh của
những nghi phạm với kết quả khảo sát mà CIEM vừa công bố.
Hơn một ngàn loại thuế phí đánh lên đầu nông dân
Không chỉ người dân mà chính Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng
cũng phải kêu trời trong cuộc họp bàn về dự án Luật Phí và Lệ phí của Ủy ban
Thường vụ QH ngày 10-8. Nhớ lại tại kỳ
họp QH hồi cuối tháng 6 vừa qua khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bị
chất vấn về việc 1 con gà phải “gánh” tới mười bốn loại phí, ông Nguyễn Sinh
Hùng đã kêu ầm lên: “Một con gà mà bị đè ra thu đến 14 loại phí, trời đất ơi!”.
Hóa ra lúc đó ông và cả QH mới biết.
Lần này ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại báo cáo, dù đã
tích cực rà soát để bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí trong
riêng lĩnh vực nông nghiệp. (Cộng lại là 1.027 loại phí).
Ông Chủ tịch QH, ông Nguyễn Sinh Hùng lại “bức xúc” trước hàng ngàn
loại phí trên thì các đại biểu, các vị bộ trưởng cũng “bức xúc” theo về sự bất
cập trong việc thu phí, lệ phí hiện nay.
Trên báo Người Lao động nhiều bạn đọc ngạc nhiên: “Ô hay, những bất
cập này, những nỗi khổ này người dân đã thấy và đã chịu bao nhiêu năm nay rồi,
có gì mà các vị lãnh đạo lại “ngỡ ngàng” thế. Bao nhiêu năm qua người dân than
trời, kiến nghị hoài trong các cuộc tiếp
xúc cử tri hằng năm đấy
thôi chứ có mới mẻ gì đâu các vị có vẻ khó hiểu”.
Thôi
thì các ông ấy hiểu còn hơn không hiểu gì hết trơn. Sau cuộc họp này mong rằng
QH sẽ công bố rõ ràng người dân còn phải gánh bao nhiêu loại thuế phí, 900 hay
1.000?
Tên những loại ấy là loại gì và việc sử dụng đồng tiền mồ hôi nước
mắt đó của nhân dân vào việc gì? Rồi bao giờ thì “nghị quyết” mới ấy mới được
thi hành, cơ quan nào chịu trách nhiệm việc giám sát. Nếu không thì “nghị quyết”
lại chỉ nằm trên bàn họp hoặc chỉ được thi hành qua loa cho xong.
Nhà giàu cùng chết
- Bạn Lê Quốc Minh, một chủ doanh nghiệp viết trên báo
Người Lao Động ngày 14-8:
Sau khi kể nỗi khổ với đủ cửa phải hối lộ, ông viết: “… Chưa hết,
doanh nghiệp đâu chỉ khổ bấy nhiêu. Đóng trên địa bàn, nay chính quyền kêu đóng
góp, mai cán bộ mời thôi nôi, ngày kia đầy tháng con chủ
tịch phường, bữa nọ đang làm việc thì có điện thoại
gọi tới nhà hàng trả tiền nhậu cho cán bộ thuế. Thậm chí, họ đi chơi, đi tham quan cũng
“nhờ doanh nghiệp hỗ trợ xe cộ”. Công ty của mình có phải doanh nghiệp vận tải đâu mà có xe cộ
để hỗ trợ? Vậy là phải chi tiền...
Ôi trời, càng đọc bản báo
cáo tài chính, mình càng thấy mặt mày xây xẩm, huyết
áp nhảy loạn xạ. Mới có một đêm mà bạc cả đầu. Bao giờ doanh nghiệp hết khổ hả
ông trời?”.
Người nông dân sống dưới mức nghèo
khổ
Anh Lương Chí Quốc, công nhân Công ty Pou Yuen ở TP Sài Gòn
kể:
“Với mức lương tối thiểu hiện nay, công nhân (CN) không thể nào sống nổi
với bao nhiêu chi phí: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền gửi con nhà trẻ,
tiền ăn... Để tồn tại, chúng tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 8
giờ tối,
thậm chí 9 giờ. Chúng tôi đang “sống mòn”, vắt cạn sức để làm việc mà không có
tích lũy, không có gì để hy vọng. Mong Hội đồng Tiền lương quốc gia nên cân nhắc
để CN có thể sống được”.
Bán hết gia tài, người mẹ nghèo không thể cứu con thoát
án tử hình
Đến đây mời bạn cùng đọc một bản án tử hình rất thương tâm chỉ vì 500
ngàn đồng.
Theo bản án sơ thẩm, giữa tháng 9/2014 Nguyễn Anh Tín (23 tuổi,
quê Quảng Ngãi) vào làm việc cho công ty quảng cáo của ông Hải trên đường Hậu
Giang, quận 6. Nhưng một tuần sau anh ta bị cho nghỉ
việc.
Trưa
23/9/2014, Tín đến
tìm ông chủ cũ để lấy 500.000 đồng tiền công một tuần làm việc nhưng song ông
Hải không trả, bỏ vào nhà vệ sinh. Tín tức giận vớ con dao trong hộc bàn, đuổi
theo đâm vào cổ chủ tiệm quảng cáo. Nạn nhân quay lại chống cự liền bị đâm
liên tiếp nhiều nhát, tử vong tại chỗ.
Gây án xong Tín lục lấy chìa khóa xe, phóng khỏi hiện trường. Hôm sau
anh ta mang xe đi cầm thì bị bắt. Tòa án TP Sài Gòn xử sơ thẩm, tuyên phạt Tín
mức án tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản. Bị cáo và đại diện người bị
hại đều làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
"Chỉ vì 500.000 đồng mà đoạt mạng sống một người, đánh đổi cả cuộc
đời mình, làm cả gia đình bị cáo và người nhà nạn nhân đau khổ như vậy sao?",
chủ toạ hỏi. Không trả lời, Tín cúi đầu thật thấp, mím chặt
môi.
Nói lời sau cùng, Tín bảo đã nhận ra tội lỗi của mình, rất hối hận về
những gì đã gây ra. Tín nói: "Con xin lỗi cô và hai em. Vì sự nông nổi của con
mà gia đình cô mất đi người thân. Xin Hội đồng xét xử cho bị cáo cơ hội được
sống và làm lại cuộc đời".
Người phụ nữ luống tuổi, đi chân đất, lật đật vào phòng xử khi phiên
tòa xem xét đơn xin giảm án của con bà đã bắt đầu được ít phút. Khuôn mặt hốc
hác, bà thấp thỏm dõi theo đứa con trai mang án tử hình đang đứng trước vành
móng ngựa. Chồng và con gái lớn của bà ngồi kế bên cũng lộ rõ vẻ lo
lắng.
Dù biết rõ hành vi phạm tội của con, song nội dung vụ án một lần nữa
được toà công bố án tử hình khiến mẹ Tín ôm mặt. Người chồng ngồi bên tay bấu
vào thành ghế, lặng lẽ gục đầu.
Giờ
nghị án, mẹ Tín ôm ngực khi cơn đau tim đột ngột đến. Bà hổn hển gục đầu vào vai chồng. Ngồi cạnh bên, chị của Tín buồn
rượi cho biết nhà chỉ có hai chị em. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, đứa con
trai duy nhất không tìm được việc làm nên vào Sài Gòn mưu sinh, không lâu sau
thì xảy ra vụ án. Bố mẹ cô phải bán mảnh đất ở quê, vay thêm họ hàng để có tiền
bù đắp thiệt hại cho gia đình nạn nhân với hy vọng sẽ cứu em trai thoát tội
chết, nhưng vẫn không thoát!
Khi nghe tòa tuyên án, mẹ Tín không ngừng run
rẩy. Toà cho rằng, Tín đã bồi thường thiệt hại và được gia đình nạn nhân xin
giảm nhẹ hình phạt, song hành vi phạm tội của bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng nên không thể giảm án.
Từ đó, Hội đồng xét xử giữ nguyên hình phạt tử hình với anh ta. Người
mẹ gào khóc gọi con rồi ngất lịm. Cố ngoái đầu nhìn mẹ và người thân, Tín đưa
đôi tay bị còng chặt ôm mặt, đôi mắt đỏ hoe.
Bạn đã thấy cái nghèo ảnh hưởng tới cuộc sống như thế nào? Càng nghèo
thì tội ác càng nhiều, nước càng loạn, không ai yên tâm trong cuộc sống này
cả.
No comments:
Post a Comment