2016/03/16

LẬP TRƯỜNG DÂN TỘC: NHÌN NƯỚC QUA CẦU (03)

LẬP TRƯỜNG DÂN TỘC
Bài số 3

NHÌN NƯỚC QUA CẦU

HỒ TẤN VINH

CHUYỆN NĂM 2013
Nhà Nước VN kêu gọi toàn dân Việt Nam từ ngày 2 tháng 1 đến ngày 31 tháng 3 năm 2013 đóng góp ý kiến về một Dự Thảo thay đổi Hiến Pháp. Liền sau đó, có những hưởng ứng phấn khởi như sau.

1/ Ngày 19 tháng 1 năm 2013, 72 nhân sĩ và trí thức ký tên vào một kiến nghị đòi bỏ Điều 4 Hiến Pháp, phải tam quyền phân lập và phi chánh trị hóa quân đội. Sau đó có thêm hơn 5000 chử ký ủng hộ.

2/ Ngày 28 tháng 2 năm 2013, một nhóm bạn trẻ đã đưa ra một ‘Bản Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do’ gợi ý từ một bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên. Bản Tuyên Bố viết ‘Chúng tôi không chỉ muốn bỏ điều 4 trong Hiến Pháp hiện hành mà còn muốn tổ chức một Hội Nghị Lập Hiến, lập một Hiến Pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến Pháp hiện hành. Có hơn 7000 chữ ký ủng hộ.

3/ Ngày 1 tháng 3 năm 2013, Hội Đồng Giám Mục VN đưa ra bản Nhận Định và góp ý ‘Hiến Pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chánh trị nào’

4/ Ngày 5 tháng 3 năm 2013, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ kêu gọi ‘giới sĩ phu đất nước, giới trẻ, giới công dân mạng đã gạt phăng sự sợ hãi bấy lâu, đứng lên bằng lời, bằng bài viết, bằng kiến nghị, bằng cả xuống đường đòi hỏi dân chủ hóa đất nước’

Ở hải ngoại, Mỹ, Pháp, Canada, Úc . . . người Việt cũng nô nức đáp ứng lại lời kêu gọi góp ý sửa đổi Hiến Pháp của nhà cầm quyền Việt Nam.

Mọi người hy vọng sẽ có một thay đổi tốt lành. Sau đó thì sao?

Sau mấy tháng sôi nổi, ngày 28 tháng 11 năm 2013 Quốc Hội ban hành bản Hiến Pháp mới.

Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khoản 1 Điều 4 Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Thế là trớt quớt. Các đóng góp chân thành của quần chúng chìm xuồng!

CHUYỆN NĂM 2014 - 2016
Công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại Hội đảng khóa 14 bắt đầu từ năm 2014.

Từ đó, những tin tức giựt gân được tung ra. Nào là ‘chân dung quyền lực’. Nào là Phùng Quang Thanh bị ám sát hụt. Nào là so cựa giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, giữa phe thân Mỹ và phe thân Trung Quốc. Nào là cái ‘chưng hửng vô tự đảng luật’ rằng Tổng Bí Thư phải là ‘Bắc Kỳ’. Rồi cái sự kiện kỳ bí trước ngày mở Đại Hội, chuyến đi Bắc Kinh của Nguyễn Sinh Hùng cầu viện chống đảo chánh?

Nhưng tôi chú trọng nhiều nhứt vào bức thư của 127 nhân sĩ, trí thức, đảng viên cao cấp. Tôi xin lược trích sau đây:

Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 9 tháng 12 năm 2015

Thưa quý vị,

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, hết sức trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước, thấy cần gửi tới Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cùng các đại biểu dự Đại hội XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam một số suy nghĩ và yêu cầu bức thiết phù hợp với ý nguyện của đông đảo nhân dân trong nước và người Việt ở nước ngoài.

1- Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển ở trình độ trung bình thấp với những tiến bộ về kinh tế và đời sống nhân dân, về thực hiện các “Mục tiêu thiên niên kỷ” do Liên Hiệp Quốc đề ra. Tuy nhiên, so với nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực (trong đó có những nước cách đây không lâu còn ở trình độ phát triển ngang hoặc kém nước ta), Việt Nam đã tụt hậu xa hơn cả về kinh tế, khoa học công nghệ và giáo dục, đặc biệt là về năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực trạng kinh tế đang có nhiều bất ổn (nổi lên là ngân sách và cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt nặng kéo dài, nợ công tăng quá nhanh); nhiều tài nguyên bị khai thác cạn kiệt; môi trường bị tàn phá và ô nhiễm nghiêm trọng; văn hóa xuống cấp; đạo đức xã hội bị băng hoại; nhân dân ngày càng mất lòng tin vào thể chế chính trị.

Mặt khác, Trung Quốc ngày càng ngang nhiên thực hiện mưu đồ bành trướng, hòng biến nước ta thành một chư hầu kiểu mới, liên tục xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của nước ta cả trên biên giới đất liền và biển đảo, tăng sự uy hiếp và chi phối đối với nước ta trên nhiều mặt. Thời gian gần đây, trong khi vẫn dùng những lời hoa mỹ về hòa bình, hữu nghị, nhà cầm quyền Trung Quốc đã có những bước leo thang thực hiện mưu đồ bành trướng trên Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, không chỉ trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn gây bất ổn cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

. . . Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên con đường đó, trong vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam bám giữ thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính. Đường lối sai lầm theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống mưu đồ và hành vi bành trướng của Trung Quốc.

Thực tiễn của nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong nhiều năm qua về thực chất đã từ bỏ những nguyên lý cơ bản về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Vậy mà các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nhấn mạnh lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặt độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường phải gắn với chủ nghĩa xã hội.

2- Trong bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và dựa hẳn vào nhân dân, tự giải thoát khỏi ý thức hệ giáo điều, tự giải phóng chính mình khỏi tình trạng tha hóa của một đảng độc quyền toàn trị, dứt khoát từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ động tiến hành cải cách chính trị triệt để và toàn diện theo con đường dân tộc và dân chủ. Hơn lúc nào hết, nước ta vừa có điều kiện, vừa bắt buộc phải tiếp thu và vận dụng sáng tạo các giá trị của văn minh nhân loại để xây dựng Việt Nam thành một nước phát triển trên nền tảng dân chủ với kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, phát huy sức mạnh đoàn kết, hòa giải dân tộc, giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.

Đại hội XII là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có trách nhiệm, vừa có thẩm quyền đề xướng cuộc cải cách chính trị trong hòa bình, với tinh thần khép lại quá khứ, không hồi tố, phát huy dân chủ với tất cả sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Ý chí quyết tâm chuyển đổi thể chế chính trị của Đại hội XII cần được biểu thị bằng những hành động cụ thể như đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa); trả lại tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ; chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp. Đó là những việc có thể làm ngay, quy tụ được lòng người, khơi dậy niềm tin và khí thế đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với công cuộc đổi mới chính trị và kinh tế ở tầm cao hơn.

3- Sự nghiệp chuyển đổi thể chế chính trị gắn với đổi mới kinh tế để Việt Nam trở thành nước phát triển trên nền tảng dân chủ đòi hỏi phải tiến hành từng bước với nhiều công việc nặng nề và phức tạp như sửa đổi Hiến pháp; xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống luật (đặc biệt là luật bảo đảm thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân đi liền với xây dựng kỷ cương xã hội, luật về đảng chính trị và đảng cầm quyền, luật về đất đai theo chế độ đa sở hữu…); xây dựng bộ máy cầm quyền tinh gọn với ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) độc lập, trong đó Quốc hội được bầu cử thật sự dân chủ, có thực quyền và chuyên trách; hoàn thiện các định chế của một nền kinh tế thị trường đầy đủ với môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; cải cách để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ; đồng thời, có đối sách đúng đắn để giữ gìn và phát triển quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng và các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển cao, ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị, xã hội.

Những người ký tên là những người có danh phận. Trong bức thư, họ đã trực diện đề nghị thay đổi tên nước và tên đảng. Họ đã xác định nguồn gốc của tai họa hôm nay là đảng cộng sản. Còn đảng CSVN thì còn lệ thuộc đảng CSTQ. Còn CHXHCNVN thì còn mang nhục đi khắp thế giới. Đây là lần đầu tiên được công khai đề ra những điều mà rất nhiều người cũng đã nghỉ ra trong thầm lặng. Đây không phải là một đột phá trong tư duy mà là một dũng cảm trong hành động.

Khi Đại hội Đảng kết thúc, ngày 20 tháng 1 năm 2016 mọi người đều biết Nguyễn Phú Trọng được cử ở lại tiếp tục làm Tổng Bí Thư. Và mọi người đều biết Nguyễn Phú Trọng là người cấm những lể Tưởng Niệm các chiến sĩ chết trong trận chiến chống Trung Quốc, ngăn chận việc thưa kiện Trung Quốc xâm phạm lãnh hải quốc gia, ngăn chận Quốc Hội bàn cải tình hình ở Biển Đông. Nhưng rất ít người biết rằng chính Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu gởi công an Trung Cộng qua giúp đàn áp ở Việt Nam.

Sau 5 năm xuất sắc làm nhiệm vụ cho Tàu, Nguyễn Phú Trọng được lưu dụng.

Lại một lần nữa trớt quớt. Những đóng góp chân thành của quần chúng lại chìm xuồng.Tôi xin lược trích dưới đây cãm nghỉ của tác giả Võng Thị:

ĐẠI HỘI XII, MỘT THẤT BẠI CHUNG CỦA VIỆT NAM!

1. Đấy là nhận xét của tôi, - đứng tại góc độ nhìn nhận một Việt Nam với Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thế giới hôm nay sẽ được gì, mất gì? Sẽ mạnh lên hay yếu đi?..

. . . Nhận xét của tôi “Đại hội XII là một thất bại chung của Việt Nam” còn xuất phát từ góc nhìn Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, được tạo thành bởi 2 yếu tố quyết định. Đó là (a) thế giới đã sang trang, hiện nay đang đi vào một thời kỳ có nhiều vấn đề quyết liệt nhất kể từ chiến tranh lạnh I (xảy ra sau chiến tranh thế giới II; hiện nay là chiến tranh lạnh II); và (b) sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta cũng phải sang trang, bởi vì giai đoạn phát triển đầu tiên sau 40 năm độc lập thống nhất đã hoàn tất (thật ra giai đoạn này đã kết thúc cách đây khoảng 10 năm rồi), ngày nay nước ta bắt buộc phải tìm đường trở thành một nước phát triển.

Tại bước ngoặt này, thách thức đối với nước ta quyết liệt chưa từng có, nhất là (1) vấn đề phát triển tự thân của đất nước ta và (2) vấn đề Trung Quốc bành trướng. Song cơ hội lớn cũng chưa từng có: Ngoại trừ Trung Quốc, hầu như cả thế giới mong muốn và hậu thuẫn một Việt Nam trở thành nước phát triển!

Vì thế, phải đưa đất nước sang trang tại bước ngoặt lịch sử này là đòi hỏi chính trị có ý nghĩa sống còn đối với đất nước.

Song tại Đại hội XII – trong Báo cáo chính trị cũng như trong Nghị quyết của Đại hội đã được thông qua, trong bố trí đội ngũ lãnh đạo cho nhiệm kỳ khóa XII… đòi hỏi chính trị hàng đầu này coi như không tồn tại.

Giải quyết câu chuyện ai ở ai đi và phải duy trì bằng được nguyên trạng của chế độ chính trị hiện nay là công việc chủ yếu của Đại hội – từ khâu chuẩn bị đến tiến hành Đại hội.

Trong khi đó toàn bộ những thách thức hiểm nghèo đất nước đang phải đối mặt trên mọi phương diên đối nội cũng như đối ngoại, những vấn đề quốc kế dân sinh sống còn của thời kỳ sang trang… chỉ được Báo cáo Chính trị và Nghị quyết Đại hội XII đáp ứng bằng những quan điểm – thực ra chỉ là những khẩu hiệu, đã được nhắc đi nhắc lại mòn cả chữ trong các Đại hội kể từ Đại hội VII đến nay, với kết quả đạt được là thực trạng đất nước hôm nay. . . . .

Có quá nhiều sự việc diễn ra trong suốt quá trình chuẩn bị (kể từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI), tiến hành và kết thúc Đại hội XII đã tự phơi bầy ra trước công luận những diễn biến mới tệ hại chưa từng có trong nội bộ Đảng và trong hàng ngũ các chính khách của Đảng… Các sự việc đã diễn ra, từ không khí trên những gương mặt sát khí đằng đằng với mọi vũ khí khí tài hiện đại bên ngoài nơi họp Đại hội, cho đến những diễn biến thăng trầm bất thường gần như từng ngày từng giờ bên trong Đại hội, tất cả đều mang tính bi hài kịch đến tột độ, thậm chí khó mà có thể thấy được ngay cả trong những kiệt tác văn học!

Song Đại hội XII chỉ có một kết quả, hay là chỉ làm được một việc duy nhất: Ai ở, ai đi và kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin.

. . . Quan trọng hơn thế, Đại hội XII đã tự phơi bầy ra trước cả nước: Nhiệm vụ chính trị tối thượng của quyền lực trong Đảng bây giờ thực chất chỉ nhằm vào duy trì bằng được chế độ toàn trị. Quyền lợi mà quyền lực trong Đảng bám giữ được cùng với nỗi khiếp sợ trước Trung Quốc là hai nguyên nhân chính dẫn tới kết quả này của Đại hội.

. . . Đại hội XII còn là một thất bại của Việt Nam trên bình diện quốc tế, bởi lẽ triển vọng sớm xuất hiện một Việt Nam mạnh và là chính mình đã bị kết quả của Đại hội XII đẩy ra xa nữa vào tương lai không đoán định được . . .

2. Đại hội XII còn là thất bại chung của cả nước, vì lẽ sau đây:

. . . Cả nước như thế đã có không ít những ý kiến đóng góp đúng đắn, chuẩn xác, xây dựng, với tất cả ý thức trách nhiệm. Cả nước như thế mong muốn Đại hội XII sẽ mở ra một bước ngoặt lịch sử, đưa nước ta đi vào con đường trở thành nước phát triển. Cả nước đòi hỏi Đại hội XII phải mở ra một thời kỳ đổi đời đất nước, và ĐCSVN phải thay đổi thành một đảng dân tộc và dân chủ để làm đúng được chức năng là đảng cầm quyền…

. . . Không ít trong những kiến nghị này chẳng những đòi hỏi, mà còn giao phó cho ĐCSVN với tính cách là đảng chính trị độc nhất đang nắm trong tay vận mệnh đất nước (Đảng tự gọi mình là đảng cầm quyền) trách nhiệm ràng buộc là phải đứng ra chủ xướng và tổ chức cuộc cải cách chính trị trọng đại này. Để khỏi nói chay, có thể nêu ra bức thư ngỏ ngày 09-12-2015 của 127 người ký tên gửi lãnh dạo ĐCSVN khóa XI và Đại hội XII là một trong những ví dụ cụ thể.

Cả nước làm như thế không phải vì ảo tưởng, mà vì đấy là sự lựa chọn của trí tuệ và ý chí, tiết kiệm xương máu cho đất nước, và hứa hẹn thành công vững bền.

Nếu tổng hợp những kiến nghị xây dựng như vậy trong cả nước gửi Đại hội XII, có thể kết luận chắc chắn: trí tuệ Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng vạch ra và tiến hành thành công cuộc cải cách chính trị vỹ đại này mà đất nước đang cần.

Rất tiếc, cả nước đã thất bại, đơn giản vì những kiến nghị xây dựng này đã bị bỏ ngoài tai và không mảy may tác động vào Đại hội XII.

. . . Phải thừa nhận ĐCSVN tha hóa tiếp và tự đi tới tự sụp đổ là một trong những khả năng hiện thực nhất, đã xẩy ra rồi tại các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô – Đông Âu cũ. Thậm chí không loại trừ đây là khả năng hiện thực duy nhất của nước ta trong thực trạng hôm nay – một khi tức nước vỡ bờ!

. . . Cả nước ta bây giờ, vào thế kỷ 21 này, với tất cả những kinh nghiệm của thất bại và thành công trên con đường đất nước đã trải qua 70 năm qua, với tất cả những bài học xương máu của các quốc gia trên thế giới, chẳng lẽ đành một bề bó tay cam chịu chờ đợi cuộc bể dâu mới này ập đến? Và chỉ còn biết than thở: …Thôi thì cái gì phải đến sẽ đến!?..

. . . Vì thế, suy nghĩ chấp nhận coi Đại hội XII là thất bại chung là suy nghĩ quyết liệt: Đất nước này dứt khoát không phó mặc thân phận mình cho mọi trò chơi quyền lực của Đảng. Dứt khoát không phó mặc cho Đảng số phận của đất nước muốn ra sao thì ra!

Cả nước coi Đại hội XII là thất bại chung, có nghĩa là cả nước quyết đứng lên giành lấy quyền tự quyết định thân phận của mình và số phận của đất nước, quyết không cam chịu gắn bó số phận của đất nước với quá trình tự sụp đổ của Đảng.

. . . Cái đích tối cao của cải cách chính trị là thực hiện bằng được quyền làm chủ đất nước của nhân dân và các quyền tự do, dân chủ của công dân.

. . . Bây giờ mọi ghế đã yên vị, công việc cấp bách hơn bao giờ hết của toàn ban lãnh đạo mới là thực hiện dân chủ để bàn bạc thực lòng và hết lòng với cả nước mọi quyết sách cho mọi vấn đề trọng đại của cải cách chính trị và của phát triển đất nước đang đặt ra, nhất là những giải pháp cho những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nóng bỏng nhằm đẩy mạnh quá trình kinh tế đang phục hồi và tạo ra được những bước đi xuôn xẻ vào thời kỳ hội nhập mới (TTP, AEC, các FTAs mới…) , làm tốt nhiệm vụ là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện ta đã cam kết...

. . . Kết thúc bài này, xin đề nghị ban lãnh đạo mới của Đảng nhiệm kỳ khóa XII huy động trí tuệ trong Đảng và cả nước làm rõ câu hỏi:

- “Thừa nhận Đại hội XII là thất bại chung của cả nước, một thất bại của Việt Nam” là một luận điệu phản động, hay là một sự thật cần nhìn thẳng vào để tìm lối ra cho đất nước?


Viết đến đây, tôi chợt suy nghĩ không biết hai sự kiện trớt quớt kể trên và cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới có cái điểm nào đồng nhứt không?


HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 16 tháng 3 năm 2016
(còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

No comments:

Post a Comment