2013/09/30

Cánh tay vạn năng bẻ cong mọi con đường

 
 Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 30.9.2013

                  
Cánh tay vạn năng bẻ cong mọi con đường

Đây không phải là cánh tay “vạn năng” như bạn đã đọc trong bài tôi đã tường thuật về “hiệu ứng nói phét” vào ngày 05-7-2013. Xin nhắc lại sơ qua, đó là chuyện “Huyền Thoại Tay Không Quật Ngã Trực Thăng UH–1 Của Mỹ.” Ông Bùi Minh Kiểm (71 tuổi, ở đường số 5, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) được nhà báo Hạ Nguyên tường thuật lại trong mục Người Nổi Tiếng trên Báo Phụ Nữ Today tại VN.


Xin trích lại nguyên văn một câu ngắn trong bài báo này, “Nhìn người đàn ông tuổi ngoài lục tuần, thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, khỏe mạnh, ít ai biết được rằng ông đã từng dùng đôi bàn tay ấy để ghì chặt một chiếc máy bay UH – 1 của Mỹ xuống mặt đất.”

Bài báo ngay sau đó có “hiệu ứng” tức thì, có hàng trăm lời bình luận gay gắt như một người dân đã viết, “Câu truyện thần thoại vô chứng cứ với những chi tiếtlố bịchđến mức con nít tiểu học nước ngoài cũng phải thốt lên là“bốc phétthì cũng vừa vừa thôi, còn để dành chỗ cho chữ ký!,” thế mà báo nhà nước vẫn đăng mới nản!”

Chỉ số thông minh của ông anh hùng và ông nhà báo

Sau bài tường thuật “nguyên si” đăng trên các báo, tôi nhận được thư của một bạn đọc ở Canada. Anh bạn hỏi tôi, “À, thì ra thế, bây giờ tôi mới hiểu tai sao ở miền Bắc trước đây, người ta hay khoe cứ ra ngõ là gặp anh hùng. Vậy đố bác VQ biết ông anh hùng dùng tay kéo máy bay địch xuống đất có óc tưởng tượng cao nhất thế giới có chỉ số thông minh là bao nhiêu? Còn cái ông gọi là nhà báo, tin đó là chuyện có thật nên viết lại, thì ai thông minh hơn ai? Theo tôi thì chỉ số IQ của ông nói phét kia là 40, còn ông nhà báo thì thấp hơn một tí là 38 thôi. Bác nghĩ sao?”

Vị độc giả bắt tôi phải tra cứu để biết chính xác chỉ số thông minh của người Việt chúng ta hiện nay, trung bình là 96. Còn người cực giỏi như nam diễn viên Dolph Lundren chỉ số thông minh lên tới 160. Về nữ, cô diễn viên Kate Beckinsale cũng có IQ mức 160. Còn siêu mẫu thế giới Cindy Crawford có chỉ số IQ 154 cũng khiến bao người phải mơ ước.
 

Tôi không dám đồng ý hay phản bác dự đoán của bạn độc giả ở Canada, xin nhường lại để bạn đọc “cho điểm” giùm về chỉ số thông minh của ông anh hùng và ông nhà báo.

Còn câu chuyện hôm nay tôi tường thuật với bạn đọc, nếu chỉ số thông minh trung bình của người Việt là 96 thì tôi lại tin là những ông tôi sắp kể ở đây có chỉ số thông minh cao hơn một tí là 97. Tức là thông minh hơn người thường, chứ không thể so sánh với các vị bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, ngoại trừ bác sĩ học từ y tá huyện, kỹ sư “lèo” và tiến sĩ giấy. Xin thưa trước rằng các ông này cũng có cánh tay vạn năng, nhưng khác hẳn ông tóm máy bay địch xuống đất. Bởi dù ông anh hùng có “bốc láo” cũng chỉ là trò khôi hài cho thiên hạ thôi chứ không thiệt hại đến của cải vật chất của ai. Còn cánh tay vạn năng bẻ cong mọi con đường gây thiệt hại rất nhiều, không chỉ về của cải vật chất của dân mà còn về uy tín, nhân phẩm của các quan đầu ngành, đầu tỉnh nữa.

Ngán chủ tịch tỉnh nên bẻ con đường thẳng thành cong

Dư luận không chỉ ở Vĩnh Long mà đang lan rộng ra xã hội, hiện nay đang xôn xao bàn tán xung quanh chuyện nhà của ông nguyên chủ tịch tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu lấn chiếm đất công con đường Bạch Đàn (phường 4, TP Vĩnh Long), đang bị đập bỏ, để trở lại đúng thiết kế cũ. Thiết kế cũ phải kể đến từ năm 1996 khi chính quyền tỉnh làm dự án mở đường Bạch Đàn.

Theo thiết kế từ năm 1996, đường Bạch Đàn, vốn là con hẻm tráng xi măng được UBND tỉnh quy hoạch mở đường với chiều rộng 30m, dài 480m nối từ đường Trần Phú đấu vuông góc với đường Phạm Thái Bường.Vỉa hè đường Bạch Đàn, TP Vĩnh Long rộng đúng 4.5m.
                                              
                                             Căn nhà không ra nhà của người dân luôn chịu nước lép trước các quan.

Với thiết kế này, con đường sẽ đâm thẳng vào nhà ông Phạm Văn Đấu, lúc đó mới chỉ là giám đốc công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long. Theo đúng thiết kế đó, nhà ông Đấu mất 17m chiều ngang, chỉ còn lại hơn 1m.

Năm 2002, ông lên chức phó chủ tịch rồi lên chủ tịch UBND tỉnh. Lúc này bỗng nhiên con đường... bé lại, do “cơ quan tham mưu” điều chỉnh thiết kế con đường, từ rộng 30 m còn có 18 m, tức là mất tiêu luôn 12 m! "Tim đường" bắt đầu được đẩy ra xa nhà ông Chủ tịch. Nó... sợ! Hay nó nịnh ông chủ tịch tỉnh? Có lẽ là cả hai.

Năm 2009, cán bộ thiết kế thi công và thẩm định của Sở Giao Thông - Vận Tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Long vì “ngán” chủ tịch tỉnh nên đã tùy tiện né ngôi nhà, bóp vỉa hè nhỏ lại chỉ còn khoảng 3m.

Né đất nhà quan, nhà dân thiệt hại nặng

Nhìn vào đoạn đường đã hoàn thành thấy có hình cong chữ S (theo quy hoạch ban đầu là một đường thẳng). Khởi đầu hướng sang phải một khúc ngắn rồi bẻ sang trái, rồi lại nắn sang phải, sau đó chạy thẳng vào phần đất nhà bà Lê Thị Kim Khoa nhằm né phần đất của chủ tịch tỉnh Vĩnh Long.
                                               
           Nhà hàng bà Lê Thị Kim Khoa (mũi tên vàng) và nhà ông Phạm Văn Đấu, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (mũi tên đỏ) xây nhà cho ngân hàng thuê lúc chưa làm đường.

Đất của bà Khoa rộng gần 1,600 m2. Từ lâu, bà Khoa mở nhà hàng Thiên Tân nơi đây, kinh doanh rất phát đạt. Khi xuất hiện dự án đường Bạch Đàn, gia đình bà phải mướn đất nơi khác để kinh doanh.
 
Bà cho biết, việc nắn đường đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho gia đình và bà đã yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng.
                                              
                                        Trước và sau khi đập bỏ một phần bậc thềm nhà cựu chủ tịch tỉnh Vĩnh Long.

Năm 2009, con đường hoàn thành giai đoạn 1, bà Khoa tá hỏa thấy giai đoạn 2 thi công chạy thẳng lấy hết đất nhà hàng của bà Khoa. Trong khi đó, phần đất nhà ông Đấu lại nằm ngoài quy hoạch. Do đó, cả 2 căn nhà ông Đấu cho ngân hàng thuê và nhà ông này ở đều thoát tầm quy hoạch!

Vào thời điểm này, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, đường cong queo thì vẫn nằm trong quy hoạch 30m của dự án ban đầu.
 
Theo Sở này, việc điều chỉnh dự án là do UBND tỉnh, và việc vẽ quy hoạch là do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm!

Cánh tay vạn năng đẩy nhà quan nhảy ra mặt tiền

Người dân Vĩnh Long đều biết, không chỉ riêng gì nhà ông chủ tịch Đấu được hưởng lợi từ việc “nắn đường” thẳng thành cong.
 
Dự án mở rộng đường Bạch Đàn còn cho hàng loạt ngôi nhà của quan chức cấp tỉnh bỗng nhiên có đường lớn chạy sát qua nhà, với mặt tiền đẹp, cho đúng với giai cấp “nhà mặt phố, bố làm to.”

Trở lại việc bị mất đất, bà Khoa có đơn khiếu nại đòi bồi thường, đến tháng 8/2009, phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ thị cho UBND tỉnh Vĩnh Long giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền.
 
Tuy nhiên, tháng 12/2009, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định bác toàn bộ yêu cầu của bà Khoa.

Cuối tháng 6/2010, bà Khoa lại gửi đơn khiếu tố khẩn cấp về việc có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn thay đổi quy hoạch để trục lợi đến Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng, văn phòng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương và cục phòng chống tham nhũng của thanh tra chính phủ.

Đến năm 2011, khi chủ tịch Đấu đã nghỉ hưu, tòa án tỉnh Vĩnh Long nhận đơn kiện của bà Khoa và năm 2012 xử phiên sơ thẩm.
 
Vẫn như quyết định của tỉnh trước đó, lần này bà Khoa lại bị bác đơn với lý do UBND tỉnh quy hoạch đúng!
 
Bà chủ nhà hàng tiếp tục khiếu kiện, chống án và mới đây Tòa án tối cao đã vào cuộc.
 
Đến thời điểm hiện tại, tòa tối cao đã 2 lần hoãn xử vì các bên chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ.

Sở GTVT và ông cựu chủ tịch nói gì

Năm 2013 này, ông chủ tịch đã trở thành... cựu Chủ tịch, sự việc bỗng nhiên lại ầm ĩ. Rút cục mới đây được biết, cơ quan chức năng đã bắt đầu đập phần xây vượt phép của ông này, mở rộng vỉa hè cho đúng 4.5m theo dự án phê duyệt (trước đó, chỉ có 3m).

Cũng đúng lúc này, trả lời báo chí, giám đốc Sở GTVT Vĩnh Long thừa nhận, việc "nắn" đường Bạch Đàn (trước đây) là vì "ngán" ông cựu chủ tịch tỉnh (khi đó là chủ tịch). Đó là lời thú nhận thẳng thắn nhưng muộn màng. Sở này cũng đang làm báo cáo và nhận khuyết điểm với UBND tỉnh trước sự việc này.
 
Trước dư luận ồn ào, điều ngạc nhiên là ông cựu chủ tịch tỉnh bất ngờ nói ngược: "Tôi xây nhà còn chưa hết đất. Chỉ là do anh em người ta làm, người ta láng trước, láng sau..., chứ có phải lấn chiếm gì đâu?"(ĐVO, ngày 11/8). Dân gian nói chẳng sai, đúng là“miệng nhà quan có gang có thép,” nói kiểu gì cũng được.

Chưa bàn, đâu là sự thật của vụ này. Do “anh em người ta làm,” hay do cái cánh tay vạn năng của chủ tịch khiến “anh em người ta” khiếp sợ nên tự nó... làm, hoặc chủ tịch có “gợi ý” gì cho các quan chức làm quy hoạch không hoặc có họp kín với các quan có nhà đưa ra mặt phố không, chẳng ai biết.

Chưa biết tòa án sẽ xét xử vụ kiện của bà Khoa ra sao và chưa biết bản báo cáo nhận khuyết điểm của Sở GTVT tỉnh thành thật tới đâu, nhưng nỗi ngán ngẩm của người dân là có thật bởi dịp này họ có thể nhìn rõ tư cách và nhân phẩm của các “cán bộ” tỉnh này như thế nào. Vừa làm việc vừa ngán quan, vừa phải tính đến chuyện nịnh quan như kiểu bẻ cong cả một con đường đã được quy hoạch thì chắc khó có nơi nào trên thế giới này theo kịp. Sự thông minh phục vụ cho công việc thì ít, sử dụng cho chiêu trò nịnh hót, bợ đỡ thì nhiều. Suốt ngày các ông ấy chỉ ngồi “tôi luyện trí thông minh,” cùng nhau học tập mọi mánh khóe chạy chọt, thế nên chỉ số thông minh của các ông này, tôi nghĩ là 97, trên người thường 1 điểm, cũng chẳng có gì lạ. Người dân bình thường đâu có nhiều thì giờ để tôi luyện IQ theo kiểu này. Thật ra chuyện bẻ cong mọi con đường phục vụ cho lợi ích của các quan đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác. Đây chỉ là một chuyện điển hình.


Nhân bàn đến chuyện nịnh bợ sếp đủ kiểu, bây giờ ở VN còn có kiểu “dâng ô sin” cho sếp (chắc bạn đã biết, lâu nay ở VN quen gọi mấy cô giúp việc nhà là “ô sin”).

Nhân viên dâng ô sin lấy lòng sếp

Hết đưa phong bì, tặng quà nghìn đô... để kết thân, “bôi trơn” mối tình đồng nghiệp đồng chí trong công việc, nhiều người còn đem cả ôsin đang làm việc tại nhà mình làm quà biếu sếp. Dâng ô sin ở đây không có nghĩa là cho sếp “làm bậy” mà chỉ để giúp việc nhà chân chính. Bởi thời nay mượn người giúp việc rất khó, chiều chuộng đủ thứ vẫn chưa yên, còn phải o bế hơn chị em ruột nữa. Một mối lo khác là ô sin từ quê ra, hơi xinh xắn một tí lại hay có bồ, báo chí đăng đầy tin, nhiều cô đã bị dân lưu manh rủ rê sát hại chủ nhà để trộm cướp. Do đó nhiều ông bà sếp rất thận trọng nên càng khó kiếm người giúp việc. Có hàng trăm chuyện như thế này, xin kể hai chuyện vừa xảy ra tại Hà Nội.
                                              
          Thời buổi khó khăn, để nịnh sếp, nhiều người còn mang
ô sin nhà mình sang "làm quà" biếu sếp.

- Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Tùng và chị Hoàng Thị Ngọc ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cả tuần nay trong cảnh người rửa bát, dọn nhà, người trông con. Anh chị đã gọi điện thoại cho người thân, bạn bè ở quê nhờ tìm hộ một giúp việc mà vẫn chưa tìm được.

Chị Ngọc kể, nhà có con nhỏ, hai vợ chồng lại đi làm cả ngày tối mới về, do đó rất cần người trông con, giúp việc nhà. Trước đây, gia đình thuê một người dưới quê. Người này làm được hơn 2 năm, mọi việc đều gọn gàng, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm. Thế nhưng, vừa rồi vợ ông giám đốc của chồng có nhờ tìm giúp một bác giúp việc vì ôsin cũ đột ngột bỏ việc về quê. Chồng chị tìm mãi không được đành bàn với vợ đưa ô sin nhà mình qua giúp sếp rồi tìm người thay thế sau. Chị cho biết:

“Ban đầu tôi không chịu vì giờ tìm được ô sin biết việc, ưng ý không hề dễ, lại còn phải đào tạo cho người ta quen với việc nhà mình. Song nghe chồng nói, muốn ghi điểm, làm thân với sếp (mà quà cáp thì sếp không thiếu) nên cuối tuần trước, hai vợ chồng đành thuyết phục ô sin sang nhà sếp làm".

Thấy vợ chồng tôi dẫn sang, hai vợ chồng sếp mừng ra mặt, còn khen chúng tôi khéo ăn ở. Hôm qua, ông giám đốc còn gọi điện thoại cho chồng mình nói ôsin mới làm việc tốt, vợ sếp rất ưng và ngỏ lời muốn mời cả hai vợ chồng mình đến chơi nhà. Xem ra, sếp có vẻ chú ý và thân thiết với gia đình mình hơn.

- Tương tự, chị Trần Thu Tâm ở phố Chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang chạy ngược chạy xuôi cả tháng nay để tìm người giúp việc mới vì người cũ chị đã nhường cho cậu em trai đưa sang nhà sếp làm.
 
Theo lời chị Tâm, công ty của cậu em đang lên kế hoạch giảm biên chế (tức là bớt nhân viên) nên nó suốt ngày gọi điện thoại thở ngắn than dài, không biết biếu sếp cái gì. Nhà sếp cái gì cũng có, hiện chỉ thiếu mỗi... người giúp việc.

Thấy vậy, chị Tâm mách là tìm một cô ôsin tử tế xem sao, nhưng tìm mãi không được, em trai chị liền sang xin luôn ôxin giúp việc nhà chị với lý do “ôsin nhà chị làm việc nhà thạo rồi, chăm trẻ nhỏ cũng tốt, rất giống với hoàn cảnh gia đình sếp của em cũng đang có con nhỏ. Chị cho em xin, mai kia em tìm bù cho chị ôsin mới....”

“Vì công việc của nó nên tôi đành phải đồng ý.” Chị Tâm còn nói thêm, nửa tháng sau thấy cậu em trai thông báo không bị mất việc, sếp lại còn tin tưởng gọi vào phòng hỏi han xem công việc có khó khăn gì không?
 
Không chỉ đưa osin của gia đình, người thân làm “quà biếu sếp,” nhiều người còn chấp nhận trả thêm tiền lương cho ôsin để họ làm tốt việc nhà cho sếp, còn mình có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Khỏi bàn luận gì nhiều, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, bạn đã thấy cánh tay vạn năng vô hình của các sếp thời hiện đại dài và khéo tới cỡ nào!

Ông tổng giám đốc phang vào đầu người phục vụ đến bất tỉnh

Trên đây là những chuyện các “đàn em” của sếp xu nịnh, còn nhiều ông sếp lại ngang tàng, phách lối theo nhiều kiểu khác nhau. Chỉ cần lườm một cái là toàn thân đàn em co dúm lại, run lẩy bẩy, chưa nói đến những kiểu đe dọa khác, có khi đoạt cả tình của cấp dưới. Những “chuyện tình gác trọ” xảy ra trong âm thầm, lặng lẽ; lâu lâu mới có chuyện bị “khui” ra, báo chi đăng tùm lum. Mới đây có chuyện ông tổng giám đốc một công ty nhà nước đi chơi gôn, đang tức mình bèn dùng cây gậy đánh gôn phang vào đầu anh phục vụ làm anh bất tỉnh, phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.
                                               Chân dung Tổng giám đốc Nguyễn Đức Sơn phang gậy đánh gôn
lên đầu nhân viên phục vụ đến bất tỉnh.

Trong khi đánh golf tại sân golf Tam Đảo, ông Nguyễn Đức Sơn (ở Hà Nội) đã dùng gậy golf đánh vào đầu nhân viên phục vụ khiến người này phải đi cấp cứu. Được biết Nguyễn Đức Sơn là tổng giám đốc công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
 
Ban điều hành CLB sân golf Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa ra một thông báo về việc truất quyền chơi golf tại sân golf Tam Đảo do người chơi đã gây thương tích cho một “caddie” (người phục vụ trên sân golf).

Cụ thể, theo công văn này, vào khoảng 1 giờ trưa ngày 15-9 vừa qua, tại hố golf số 13, Ông Nguyễn Đức S. (ở phố Đặng Tất, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bất ngờ dùng gậy “putt” đánh vào đầu nhân viên phục vụ số 054.Sau cú đánh của ông S., nhân viên này bị ngất. Nhân viên bị đánh là người phục vụ cho một người chơi golf cùng là ông Nguyễn Văn T., chứ không phải là nhân viên phục vụ cho ông S.

Ngay sau khi nhận được tin báo, ban điều hành sân golf Tam Đảo đã lập biên bản vụ việc tại chỗ và nhanh chóng đưa nhân viên phục vụ đi cấp cứu, khám và điều trị. Theo ban điều hành sân golf Tam Đảo, hành động của ông S. đã vi phạm nghiêm trọng về văn hóa ứng xử trên sân golf nói chung và quy tắc, văn hóa ứng xử trên sân golf Tam Đảo nói riêng.Do đó, Ban điều hành đã bắt buộc phải áp dụng biện pháp truất quyền chơi golf với thời hạn 1 năm (kể từ ngày 16-9) đối với ông hội viên này.

Chơi golf ở Tam Đảo tốn kém bao nhiêu?

Gặp gỡ báo chí sáng 23-9, ông Sơn cho biết do bực mình trong lúc chơi golf nên đã dùng gậy đánh golf "gõ nhẹ" vào trán của nhân viên phục vụ tên là Trương Tiến Công (SN 1986) với ý định nhắc nhở chứ không phải cố ý đánh người. Ông Sơn cho biết đã tới nhà xin lỗi và bồi thường cho anh Công 5 triệu đồng. Do gia đình anh Sơn đã làm đơn bãi nại nên công an tỉnh Vĩnh Phúc đã để hai bên tự giải quyết.
                                              
                                                   Chơi golf ở sân golf Tam Đảo tốn ít nhất 1,6 triệu đồng 1 lần chơi.


Nếu anh Công không ngã ra bất tỉnh vì cú đập đó chắc còn nhiều anh phục vụ ăn đòn dài dài. Cánh tay “vạn năng” của ông tổng giám đốc Sơn này đáng sợ thật, mới chỉ “gõ nhẹ” một phát mà anh Công đã ngã ra bất tỉnh.
 
Được biết, mỗi lần chơi ở sân golf Tam Đảo, người chơi lẻ mất $82 USD (hơn 1.6 triệu đồng VN) vào ngày thường, $172 USD (hơn 3.5 triệu đồng) ngày Chủ Nhật. Thẻ hội viên 25 năm $38,000 USD, 48 năm $74,000 USD (hơn 1.5 tỉ đồng) cùng tiền phải đóng để bảo dưỡng 17 triệu đồng/năm. Như vậy việc đền bù vài triệu bạc là chẳng thấm thía gì với một “đại gia.” Ngay cả nếu hào phóng hơn, ông Tổng có đền bù cho anh Công 50 triệu cũng chẳng thấm thía gì và chưa chắc đã đủ tiền nghỉ việc, chữa bệnh.

Người dân đã lên tiếng phản ứng:
 

- Bạn truongson@gmail.com viết, “Ông Sơn là một giám đốc doanh nghiệp nhà nước, không hiểu lương ông được bao nhiêu mà đi chơi golf nhỉ. Đã đánh golf lại còn dở thói côn đồ, không biết ông có biết tháng lương của người lao động có bằng 1/1000 cái thẻ chơi golf của ông ấy không.”

- Bạn Nguyễn Công Lý, “Theo tôi phải làm rõ hành vi này, không thể để đồng tiền có thể bịt mọi thứ được. Ông Sơn là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, tiền đâu mà chơi golf với tần suất nhiều như thế, và có bỏ bê công việc để đi chơi hay không?.”

-Ban nguyễn hoàng giang la làng, “Ôi sướng thật, Lãnh đạo nhà nước mà trung bình 1 tuần 2 lần đi đánh golf? Không biết lấy tiền ở đâu nhỉ?.”
 
Mặc dù anh Công đã bãi nại nhưng cái tiếng xấu của ông tổng giám đốc Cty nhà nước kia chẳng thể nào xóa sạch. Chắc tôi không phải bình luận gì thêm về hình ảnh và lương tâm của những vị được gọi là công chức nhà nước này./.

Văn Quang

Khai Dân TríVăn Quang

2013/09/28

LẠC PHƯƠNG


LẠC PHƯƠNG


Người ơi
Trời cao, biển rộng
Ai đã đến rồi, ai dị mộng ảo du?
Lửng lơ trong áng mây mù
tiếng oan còn vọng, tiếng thù chưa tan

Năm nào lá đổ mơ hoang
vẽ lem trang sử lên đàng cầm vông
thôi rồi cái vận non sông
từ nay chìm nổi, sóng hồng cuốn xa

Rùn mình tiếng két điêu ngoa
đâu cần đến phải phong ba đất hiền

Người ơi rừng núi ưu phiền
Thông reo gợi nhớ ước nguyền ngày vui

Người ơi, người có là người
mẹ ru, cha dưỡng một lời nước non
trước sau hai chữ vuông tròn
bước chân còn dấu lối mòn ngày đi

Người ơi, người có là người
Khói lam vẫn nặng một lời ngày xanh

Người ơi
Đợi chờ còn có mái tranh
nẽo về có lối
Sao đành lạc phương?


HỒ TẤN VINH
Melbourne


Các bài thơ của tác giả Hồ Tấn Vinh có lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

2013/09/26

NGÔ ĐÌNH NHU THỎA HIỆP VỚI HÀ NỘI

· Dịch theo sách: Death of a Generation - How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War
· Tác giả: Howard Jones, Giáo sư Danh dự, khoa Sử học, University of Alabama
· Nhà Xuất Bản: Oxford University Press, New York 2003

[LỜI NGƯỜI DỊCH: Bài này sẽ tập trung dịch những cuộc móc nối, thương thuyết mật giữa Hà Nội và ông Ngô Đình Nhu, qua trung gian của Đại diện Ba LanMieczylaw Maneli, Khâm sứ Vatican Salvatore d’Asta, Đại sứ Pháp Roger Lalouette và Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến ICC Ramchundur Goburdhun. Phần được dịch sẽ là 11 trang: 310-314, 344-345, 362-364, và 406.

Tác phẩm này được viết rất mực công phu trong 15 năm, bởi Howard Jones, Giáo sư Đại học University of Alabama. Sách nầy khác tất cả những sách trước đó, vì sử dụng rất nhiều nguồn tài liệu, trong đó có những cuộc điều trần chưa được in trên sách, báo nào.
 
Bản thảo được Jones đưa cho 4 vị giáo sư bạn – David Beito, Ron Robel, Tony Freyer, Forrest McDonald -- cùng trong đại học này, đọc, kiểm soát và góp ý.

Jones cũng đưa cho nhiều giáo sư và học giả khác -- James K. Galbraith, ở University of Texas; Paul Hendrickson, ở báo Washington Post và là tác giả một tác phẩm viết về Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara; Ken Hughes, ở University of Virginia; Don Rakestraw, ở Georgia Southern University; Pete Maslowski, University of Nebraska -- đọc bản thảo và góp ý.

Đặc biệt, Jones đã phỏng vấn nhiều người liên hệ tới thời kỳ 1963 tại Việt Nam, trong đó có Daniel Ellsberg, John Kenneth Galbraith, Roger Hilsman, Jack Langguth, Robert McNamara, Walt Rostow, và Dean Rusk.

Jones cũng được trợ giúp về tài liệu từ hàng chục học giả khác tại các Thư Viện Tổng Thống John F. Kennedy Library, Gerald R. Ford Library, Lyndon B. Johnson Library, Trung Tâm Văn Khố Quốc Gia. Trong đó có những cuộc điều trần chưa từng phổ biến.

Có thể kể, một điển hình cho sự nghiên cứu công phu và cẩn trọng của tác phẩm này như chú thích số 47 của trang 314, trong đó dẫn tới 7 nguồn khác nhau. Những chú thích khác đã dẫn 4 nguồn, hay 5 nguồn là bình thường. Tất cả các chú thích nơi đây đều sẽ không dịch ra Việt ngữ, để người nghiên cứu có thể dựa vào chú thích đó mà tự mình dễ dàng tìm ra tài liệu gốc Anh ngữ.

Có thể ghi nhận một số diễn biến nơi đây:
Ngày 25-8-1963, Tướng Nguyễn Khánh nói với một viên chức Mỹ rằng ông Ngô Đình Nhu đang liên lạc với Hà Nội, và bày tỏ quan ngại, nói rằng các tướng sẽ chống tới cùng các giải pháp thương lượng Nam-Bắc và trung lập hóa Miền Nam, vì các tướng sợ sẽ bị trả thù.

Chính phủ Kennedy xem việc Nhu tìm hiệp ước với Hà Nội là phản bội lòng tin của Mỹ.
Đại sứ Nolting nói là có biết các đại diện Việt Cộng tới thẳng Dinh Tổng Thống, vào họp và đi ra bình an.
Có nhiều tin trong mùa hè 1963 rằng Nhu liên lạc với Hà Nội qua trung gian Khâm sứ Vatican, Đại diện Ba Lan ở ICC (Maneli), Đại sứ Pháp, Đại sứ Ấn, Đại sứ Ý.
Pháp muốn trung lập hóa Nam VN và tranh dành ảnh hưởng với Mỹ tại Đông Dương cũ..
Đầu năm 1963, Nhu đã gặp một đại diện Việt Cộng ở Huế.
Đại diện Ba Lan ở ICC là Maneli, vào tháng 8-1963, đã báo cáo về chính phủ Ba Lan rằng trong khi anh em Diệm-Nhu đàn áp Phật Giáo dữ dội, thì Hà Nội và Việt Cộng, qua những cuộc thương thuyết, đã hy vọng sẽ hỗ trợ Diệm-Nhu để yêu cầu người Mỹ rút khỏi Việt Nam.
Nhu nói trong một buổi họp 15 tướng lãnh rằng Nhu đang thương thuyết với Hà Nội, và không sợ chuyện Mỹ cắt viện trợ, vì cuộc chiến sẽ ngưng.
Nhu viết bài trên báo Times of Vietnam ấn bản đầu tháng 9-1963 nói rằng Mỹ đang âm mưu đảo chánh anh em Diệm-Nhu.
Nhu hút nha phiến, và mang bệnh ảo tưởng về “sự vĩ đại của Nhu.” Ngôn ngữ Nhu nói trong một buổi gặp Maneli có dấu hiệu Nhu bị bệnh tâm thần. Điều nầy được xác nhận bởi Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần và Chánh Văn phòng Võ Văn Hải
Trong tháng 9-1963, Nhu cũng khoe với Alsop, một nhà bình luận Hoa Kỳ, rằng Nhu đang nói chuyện với Hà Nội.
Tình báo Mỹ nhận ra trong tháng 10-1963, tại Sài Gòn có 10 âm mưu đảo chánh, muốn lật đổ anh em nhà Ngô, nhưng chỉ nhóm các tướng lãnh là có kế hoạch khả thi.
Đại sứ Lodge nói rằng Mỹ không có cách nào ngăn cuộc đảo chánh được, vì các tướng lãnh tự thấy sẽ bị trả thù, mất hết đường sống khi Nhu bắt tay Hà Nội.
Tướng Tôn Thất Đính nói rằng Nhu đã họp với Tướng VC Văn Tiến Dũng qua Ủy hội ICC.
Xem chú thích 38: Giới ngoại giao tại Sài Gòn chuyển cho nhau một tấm hình và nghi là có dan díu tình cảm bất chính giữa Maneli và Bà Nhu, nhưng Maneli bác bỏ.
 
Kèm bản Việt ngữ nầy là các bản Anh ngữ chụp lại từ bản chính để độc giả nào quan tâm có thể đối chiếu, đọc bản gốc Anh văn. Toàn văn dịch bởi Cư sĩ Nguyên Giác.]


HNG - Như vậy, việc ông Nhu, với sự “đồng ý” của ông Diệm và lời “xúi dại” của Đại sứ Pháp, đã quyết định liên hệ với Hà Nội để tìm cách đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam hầu tìm một giải pháp cho cuộc chiến tranh Quốc-Cọng là sự thật không thể chối cải. Sự thật đó, qua các tiết lộ của nhân vật trong cuộc, đã cho thấy nguyên ủy sâu thẳm của quyết định nầy là cơn bệnh hoang tưởng của một đầu óc mang bệnh cuồng vĩ của ông Nhu. Còn phía Hà Nội, trong quá trình thiết lập mối liên hệ, theo dõi kỹ những tuyên bố và động thái của các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy ta thấy rõ ràng rằng những toan tính chính trị của họ chỉ là “Mỹ phải ra đi” để cán cân thắng lợi trên chính trường cũng như ngoài chiến trường nghiêng về phía họ … Đó là chiến lược nhất quán của Hà Nội. Sau nầy, từ hòa đàm Ba Lê (1968-1973) đến chính sách “Việt Nam hóa” chiến tranh của Mỹ (1969-1972), từ khi tấn chiếm Ban Mê Thuột đến khi dàn 9 sư đoàn ở cửa ngõ Sài Gòn vào cuối tháng 4/1975, lãnh đạo Hà Nội cũng chỉ đòi hỏi 3 chính phủ Thiệu, rồi Hương, rồi Minh của miền Nam một điều kiện chính trị là “Mỹ phải ra đi”.


Hai vấn đề còn lại để thẩm định giá trị của “bước sẩy chân” chính trị (political faux-pas) nầy của ông Nhu là (1) Quá trình lấy quyết định thỏa hiệp với Hà Nội và cáchthiết lập mối liên hệ với Bắc Việt của hai anh em ông Diệm Nhu có phù hợp với Hiến pháp, Luật pháp, Hiện thực Chính trị và An ninh, Lòng dân và Thế nước của chế độ Việt Nam Cọng Hòa tại miền Nam từ năm 1954 qua phân cho đến lúc bấy giờ không ? Và (2), giải pháp “đuổi Mỹ và thỏa hiệp với Cọng” của hai anh em ông Diệm Nhu, nếu không có ngày 1-11-1963, thì có đạt được kết quả dự kiến là hai ông Nhu Diệm sẽ cùng với đảng Lao Động và ông Hồ Chí Minh, với cơ cấu chính trị nào và trong sách lược quốc gia nào, sẽ mang lại thống nhất độc lập bền vững, dân chủ tự do thật sự, và hòa bình thịnh vượng cho Việt Nam trong bối cảnh tuyến đầu của cuộc thư hùng Tư bản-Cọng sản vào đầu thập niên 1960’ ? (Nhấn mạnh trong bản dịch là của HNG)

BẮT ĐẦU BẢN DỊCH
■ Trang 310:
Gần như tất cả các nguồn tin đều nhận định ông Nhu là nan đề chính, và Đại sứ Lodge vẫn dè dặt, cảnh giác Bạch Ốc vào ngày 24-8-1963 rằng chưa tới lúc để đứng về phía các tướng lãnh VNCH. Lodge không đồng ý với CIA, cơ quan tình báo này gọi ông Nhu là “nhân vật nắm quyền, có lẽ với ưng thuận của Tổng Thống Diệm.”

Dựa vào những cuộc nói chuyện riêng rẽ với Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần, Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống Võ Văn Hải, Tướng Trần Văn Đôn và Tướng Lê Văn Kim, Đại sứ Lodge khẳng định rằng ông Nhu (“nếu ông này không hoàn toàn vẽ ra kế hoạch mọi thứ”) có lẽ đã có ủng hộ từ ông Diệm trong việc soạn kế hoạch tổng tấn công các chùa (đêm 20-8 rạng ngày 21-8-1963). Nhiều phần có lẽ rằng quân đội VNCH không tham dự tấn công chùa, và phía gây tội là cảnh sát và Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung.

2013/09/25

Những canh bạc khác của Liên bang Nga


Nguyễn-Xuân Nghĩa

Trong mọi cuộc thương thuyết - ví dụ thời sự là đàm phán Mỹ-Nga về hồ sơ Syria - khi một phe đưa ra tuyên bố thì đấy là tin tức cho truyền thông loan tải, hoặc bình luận. Nhưng mọi lời tuyên bố đều khỏa lấp hoặc xuyên tạc sự thể nhằm xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi cho mình. Ðấy cũng là một thế “đánh” trong cách “đàm”, mà chuyện đánh ở đây không nhất thiết là quân sự, có khi là đánh cờ, đánh bạc...

Chúng ta có thể nghĩ đến trận đánh trong một lãnh vực khác: kinh tế cũng là chính trị... và đấu tranh.

***

Khi cả thế giới theo dõi canh phé Nga-Mỹ về chuyện Syria, vài tin nhỏ đã lọt khỏi sự quan tâm và loan tải của truyền thông Hoa Kỳ.

Thứ Năm mùng năm Tháng Chín, Quốc hội Cộng hòa Ukraina thông qua đạo luật cho phép xứ này xúc tiến việc đàm phán với Liên hiệp Âu châu về một dự án hội nhập kinh tế, gọi là Eastern Partnership. Trước đó, hôm mùng ba, Cộng hòa Armenia quyết định gia nhập chế độ quan thuế Âu-Á của Nga và vì vậy khó đạt thỏa ước tự do mậu dịch với Liên Âu. Ðấy là mặt khác của một trận đánh không tiếng nổ giữa Liên bang Nga và Liên Âu mà cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của Hoa Kỳ.

Chúng ta cần nhìn lại bối cảnh rộng lớn hơn của vấn đề này trước khi nhìn vào nước Nga.

Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã cuối năm 1991, Nga bị khủng hoảng mất chục năm và chỉ tạm ổn định dưới triều đại Vladimir Putin, người đã làm Thủ tướng, rồi Tổng thống, rồi Thủ tướng, rồi lại tái đắc cử Tổng thống từ năm ngoái. Trong 10 năm đó, các nước Ðông Âu thoát khỏi ách Xô Viết đều cải cách về kinh tế lẫn chính trị để gia nhập Liên Âu rồi Minh ước NATO.

Khi đã củng cố thế lực, và nhân khi hai khối Âu-Mỹ lâm khủng hoảng tài chánh năm 2008 thì Putin chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của Liên Xô ở vòng ngoại vi của Nga, và đẩy lui phong trào dân chủ tại Trung Âu. Georgia bị tấn công vào Tháng Tám năm 2008, Ukraina bị bắt bí về khí đốt đầu năm 2009. Cuộc cách mạng màu da cam của Ukraina bị đẩy lui, phe thân Nga của Viktor Yanukovich lên lãnh đạo, một lãnh tụ phong trào dân chủ là Yulia Timoshenko vào tù.

Từng có kinh nghiệm đẫm máu với Nga Xô, bốn nước Ðông Âu theo dõi kỹ chuyện này trước sự thờ ơ của dư luận Mỹ. Ðó là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Cộng Hòa Tiệp và Cộng Hòa Slovakia (hai nước này là hậu thân của Cộng hòa Tiệp Khắc). Họ đã lập ra “Nhóm Visegrad” từ năm 1991 - Visegrad là một địa danh lịch sử cả ngàn năm của Ðông Âu - và vận động Liên Âu, NATO cùng Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa về mối nguy từ phía Ðông, từ Liên Bang Nga.

Từ đấy, Liên Âu phát huy sáng kiến xây dựng thế đối tác với miền Ðông (Eastern Partnership) do Ba Lan và Thụy Ðiển đề nghị từ năm 2009. Chủ yếu là để lôi kéo sáu nước miền Ðông còn nằm trong quỹ đạo Nga, là Georgia, Ukraina, Armenia, Moldovia, Belarus và Azerbaijan, cùng hội nhập kinh tế rồi chính trị với Liên Âu.

Bên kia chiến hào kinh tế, Putin lập ra Liên Hiệp Quan Thuế với Belarus và Kazakhstan từ đầu năm 2010 với tham vọng mở ra một Liên Hiệp Âu Á về quan thuế (Eurasian Custom Union) - dưới sự lãnh đạo và thực thi của bộ máy an ninh Nga - vào năm 2015 để hội nhập các nước từ Tây sang Ðông, kể cả Trung Quốc và Việt Nam (hiện là quan sát viên).

Tóm lại cho gọn: Giữa cơn khủng hoảng của khối Euro với các nước lâm nạn tại Nam Âu, Liên Âu cố dùng đòn bẩy kinh tế - tự do ngoại thương - để tranh thủ các nước miền Ðông vào quỹ đạo của Âu Châu dân chủ. Ðó là kế hoạch Ðối Tác Miền Ðông Eastern Partnership. Nga cũng dùng đòn bẩy kinh tế, và võ khí năng lượng, để duy trì ảnh hưởng và còn bành trướng thế lực qua tận Viễn Ðông qua kế hoạch Thuế quan Âu-Á.

Khi vào cuộc, siêu cường của khối Euro là nước Ðức ủng hộ dự án Ðối Tác Miền Ðông vì có thể giảm ảnh hưởng của sáng kiến xuất phát từ Pháp là hội nhập các nước Ðịa trung hải ở miền Nam, trong chừng mực không gây mâu thuẫn nặng với Nga là một nguồn cung cấp năng lượng đáng kể. Nhìn như vậy, chúng ta có thể suy đoán ra khả năng tác động của một đại gia mới nổi về năng lượng là Hoa Kỳ. Một chuyện kinh tế cũng là chính trị!

Khi vào cuộc, Nga vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO - mới vừa gia nhập năm ngoái sau 18 năm thương thuyết - để bắt bí Georgia và Ukraina. Ðã vậy, Nga còn gây khó cho nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Cananda và Brazil về việc nhập cảng nông sản và lương thực với những tiêu chuẩn tùy tiện và đáng ngờ. Liên Âu đã lập hồ sơ truy tố và nếu thấy Hoa Kỳ cùng tham gia vụ kiện, ta có thể nhìn ra một trận đánh khác không gây tiếng nổ.

Theo quy ước Liên Âu, mỗi nước trong 28 thành viên (Croatia là thành viên vừa gia nhập Tháng Bảy vừa rồi) sẽ là chủ tịch luân phiên trong sáu tháng. Chủ tịch hiện nay là Lithuania, một trong ba nước Cộng hòa Baltic đã triệt để chống Liên Xô và bảo vệ quyền độc lập trong suốt thời Chiến Tranh Lạnh và thường xuyên bị Liên Bang Nga đe dọa.

Tháng 11 tới đây, Lithuania sẽ tổ chức thượng đỉnh Liên Âu về Ðối Tác Miền Ðông tại thủ đô Vilnius. Theo nghị trình, các nước sẽ thảo luận việc thương thuyết hiệp định tự do ngoại thương và hợp tác với Georgia, Ukraina, Loldovia và Armenia. Khi có tin Armenia gia nhập hệ thống quan thuế Âu-Á của Nga, và Quốc hội Ukraina đã mở đường cho việc thương thuyết với Liên Âu vào Tháng 11 này thì chúng ta hiểu rằng trận đánh Ðông-Tây về mậu dịch vẫn tiếp tục.

Bây giờ nói chuyện Nga thấy bù.

Tuần qua, khi Putin thừa thắng xông lên với bài quan điểm đăng trên tờ New York Times hôm Thứ Tư 11, với nội dung dạy dỗ Hoa Kỳ về cách hành xử trên diễn đàn Liên hiệp quốc, người ta không thể quên thái độ của Putin khi tấn công Georgia năm 2008 và những đòn phép kinh tế để khuynh đảo các nước khác. Và không nên quên chuyện ở nhà... của Putin.

Ông ta muốn khai thác chiến thắng ngoại giao trong vụ Syria cũng để trấn an dư luận ở nhà. Nga đang gặp khó khăn lớn về kinh tế, với đà tăng trưởng sẽ còn giảm sút nữa, và hệ thống kiểm soát xã hội và chính trị của Putin bắt đầu bị suy yếu từ sau cuộc bầu cử năm 2011.

Tuần qua, quá tập trung vào chuyện Syria, ít ai thấy Putin đã ráo riết họp hành với ban tham mưu kinh tế tài chánh để duyệt lại tình hình kinh tế khá bi đát của Nga. Sản lượng công nghiệp, ngạch số đầu tư hay tiêu thụ nội địa đều sa sút, trong khi công chi ngân sách vẫn tăng. Chúng ta chỉ nói chuyện chiến hòa tại Syria, hoặc thắng bại của Hoa Kỳ trong màn tháu cáy với Nga, chứ Putin đang phải đối diện với nhiều nan đề khác.

Năm tới, Nga lại bị bội chi ngân sách và sẽ phải giảm chi 5% trong ba năm liền. Nhưng Putin vẫn phải chiều lòng quần chúng bằng chế độ kiểm soát giá xăng dầu và tiện ích công cộng, phải bơm tiền kích thích kinh tế và du di nhiều khoản thu nhập của các tập đoàn năng lượng qua mục tiêu tài trợ ngân sách giáo dục và nhất là hưu bổng cho một dân số bị lão hóa.... Ðấy là lúc các đại gia về năng lượng và nhóm lợi ích về an ninh và kinh tế tính sổ chi thu và chia chác quyền lợi, để bắt bí ông trùm.

Khác với Hoa Kỳ là nơi mọi sự đều công khai và ai ai cũng tranh luận ồn ào, Nga là nơi mà tấm màn bí mật vẫn còn phủ lên nhiều chuyện. Khi tới khi bật mí thành cơn khủng hoảng...
     
Nguyễn-Xuân Nghĩa

Khai Dân TríNguyễn-Xuân Nghĩa

2013/09/21

NHÌN VỀ BÊN THẮNG CUỘC: CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ (08 - bài chót)

NHÌN VỀ BÊN THẮNG CUỘC

Bài số 8 – bài chót
CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ
HỒ TẤN VINH

Tôi ở trên Diễn Đàn đã hơn một tháng rồi, phải đến lúc tạm biệt. Bài báo chót này xin lấy tâm tình mà nói với nhau.

I. - NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI TRÍ THỨC CỘNG SẢN

Giai cấp ‘vô sản’ là gì? Theo tôi hiểu thì đó là những người nghèo khó. Trong một xã hội nông nghiệp, họ là đa số những người không có làm chủ một miếng đất nào. Tại sao vậy? Có nhiều lý do đã đưa họ đến tình trạng đó mà cái lý chánh có thể là do họ bị bốc lột sức lao động. Họ đã làm nhiều mà được trả công ít, và số thặng dư làm giàu cho chủ.

Tình trạng của họ là một tình trạng đáng thương. Nên muốn giúp họ, đại cương có ba cách.

Thứ nhứt, người chủ tự chế không tìm cách bốc lột nhân công. Nếu người chủ không tự chế thì nhân công phải biết tập họp lại thành nghiệp đoàn để tranh đấu.

Thứ nhì là cung cấp thật nhiều học bổng để con cháu họ có thể dùng học vấn mà thoát ra cảnh bần cùng.

Thứ ba là nếu họ hoàn toàn bất lực thì chỉ còn cách trợ cấp xã hội hay trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp y tế.

Ba điều kiện đó đã được thực hiện từ lâu ở Úc rồi mà Úc không có xưng danh ‘Xã Hội Chủ Nghĩa’ hay Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ!

Người trí thức cộng sản lại không đi con đường đó. Các anh lại cho rằng ‘trí thức phải đầu hàng giai cấp vô sản’! để giai cấp vô sản giải quyết hết mọi bất công!

Trí thức phải thành tâm giúp người vô sản thì nghe được, chớ trí thức mà phải đầu hàng vô sản thì tôi hiểu không nổi. Làm sao người có học lại phải làm theo lịnh của người không có học? Tại sao trong một bịnh viện, các bác sĩ phải tuân lịnh của một y tá bí thư?

Người trí thức cộng sản đã ngoan ngoản đầu hàng giai cấp vô sản nên hồ hởi phấn khởi giao việc nước cho Đổ Mười là một tên không có học để nó phá nát nước. Các anh chị không có trách nhiệm sao? Hay trí thức đã đầu hàng giai cấp rồi nên được quyền phủi tay? Bây giờ đứng dậy làm ‘thất phu hữu trách’ không nổi sao?

. . . .


NÓI VỚI CÔ GIÁO, THẦY GIÁO

Cô giáo, thầy giáo cũng là những người trong giới trí thức. Nhiệm vụ của giáo giới là dạy con nít nên người, truyền đạt những giá trị mà con người phải có như nhân từ, lương thiện, tôn trọng sự thật, giữ lẽ công bằng . . .

Làm sao cô giáo thầy giáo lại đi dạy hận thù? Làm sao trong bài toán lớp hai mà có ‘bắn chết hai thằng ngụy và ba thằng Mỹ là mấy thằng địch?’

Làm sao lại đốc thúc con nít ráng làm ‘cháu ngoan Bác Hồ’ trong lúc Hồ Chí Minh lả tên giết người. Không phải một người mà cả triệu người. Phấn đấu để làm cháu ngoan cho một tên diệt chủng sao?

Tôi không có nhắm chỉ mấy cô giáo thầy giáo bậc tiểu học đâu. Tôi nói chung với giáo giới, trong đó có tất cả Giáo Sư Đại Học Xã Hội Chủ Nghĩa. Giáo dục là để khai phóng hay để nhồi sọ?


II. -  NÓI VỚI QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Cả tháng nay, các Tướng Lãnh Quân Đội Nhân Dân rất là bận rộn đi ngoại quốc kiếm mua súng đạn.

Mỹ thì còn làm eo làm sách chưa chịu bán một số vũ khí tối tân.

Còn nước Nga thì chịu bán rồi.

VRNs (16.08.2013) – Washington DC, USA 

chuyến đi Nga thành công nhiều mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, từ ngày 07 đến 10/08 (2013).

Bây giờ, trước đe dọa bị "ăn sống nuốt tươi" bởi nước láng giềng được gọi là "vừa là đồng chí, vừa là anh em" Trung Cộng, Việt Nam đã phải bỏ khỏang 3 tỷ dollars để mua 6 tầu ngầm lọai Kilo có trang bị vũ khí mới tối tân hơn các tầu Kilo Nga bán cho Trung Cộng trước đây để bảo vệ lãnh hải.

Việt Nam cũng đã chi hàng tỷ dollars để mua 23 máy bay chiến đấu tối tân Sukhoi Su-30 MK2 của Nga và dự trù mua thêm 24 chiếc nữa. Ngòai ra Nga cũng đã bán cho Việt Nam ít nhất 6 tàu tuần tra cao tốc có khả năng truy tầm tầu ngầm lớp Svetlyak và 2 tàu khu trục Gepard. Các tầu mới này đều trang bị hỏa tiễn tối tân.

Theo tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam thì Hà Nội còn mua thêm súng trường bắn chính xác nhất TAR-21 của Do Thái và hỏa tiễn Yakhont chống chiến hạm của Nga và dàn radar Vostok-E của Belarus để canh giữ bờ biển.
. . . .

Nhưng Trung Cộng lại có một lực lượng tầu ngầm tối tân và nguy hiểm gấp 100 lần hơn Việt Nam.

Báo chí Việt Nam đưa tin : " Theo trang tin lemur59.ru, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có 5 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và 82 tàu ngầm điện – diesel. Số tàu ngầm này được chia làm 6 phi đội. Các tàu ngầm hạt nhân mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.1.82 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%)."

Như vậy, nếu chẳng may xẩy ra chiến tranh với Trung Cộng thì Việt Nam sẽ chống đỡ như thế nào và ai sẽ cứu Việt Nam ?

Hẳn Việt Nam chưa quên 2 Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và từ 1984 đến 1989 đã làm cho trên 40,000 quân dân thiệt mạng và khỏang 5,000 cây số vuông lãnh thổ mất vào tay Trung Cộng ?

Vậy liệu cuộc phiêu lưu quân sự mới của Việt Nam với Nga có lấy lại được Hòang Sa và những phần biển đảo đã bị Trung Cộng chiếm ở Trường Sa và hàng ngàn mẫu đất đọc biển giới không hay chỉ làm cho đất nước nghèo mạt thêm và dân tộc phải đổ thêm máu cho tham vọng chính trị của một thiểu số cầm quyền độc tài ?

Đảng CSVN chưa biết nhận ra rằng họ sẽ phải chiến đấu một mình vì khác với năm 1979, nhân dân bây giờ không còn muốn có chút "liên hệ máu thịt" nào với đảng nữa.

Phạm Trần
(08/013)

Tôi nghỉ rằng  tất cả các anh đều có nghe câu chuyện các bà già miền Nam sau năm 1975 nói với nhau ‘Tao mà biết như vầy thì hồi đó đâu có cho tụi nó ăn cơm. Tao kêu lính quốc gia bắt hết tụi nó rồi!’

Bây giờ các bả biết mấy anh là ai rồi. Nếu mà Trung Cộng có động binh, các anh nghĩ rằng mấy bà nội này sẽ cầm gậy ra chống giặc phụ các anh hay tính sổ với các anh?


III. – NÓI VỚI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO

Những nhà lãnh đạo Việt Nam ngày nay khi ra ngoại quốc công tác đại diện cho ai? Đại diện cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam? Các ông có biết CHXHCNVN nghĩa là gì không? Tám chữ dài thòng không giống ai đó chỉ có một nghĩa là: NGU, người ta đã giụt bỏ nó hơn 20 năm rồi mà bây giờ mấy ông còn đeo nó trên lưng thì mấy ông là gì?

Các ông Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội hay các Bộ Trưởng thử qua Âu châu công tác đi để coi người ta đón tiếp các ông niềm nở như thế nào? Ở các nước ấy, từ năm 2006 Nghị viện châu Âu đã ra Nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa cộng sản và đồng nhất chủ nghĩa này với tội ác chống lại loài người.

Các ông đem CHXHCNVN đi rêu rao ở ngoại quốc là các ông làm nhục nước đó, vì các ông không có đại diện cho nước mà CHỈ đại diện cho tội ác chống nhân loại.

Chế độ cộng sản sẽ bị loại bỏ, nhưng trong lúc các ông còn đang cầm quyền thì đây là hai điều các ông còn có thể làm để cứu vớt tình thế.

Biết tự mình thừa nhận rằng chủ nghĩa cộng sản là sai lầm là lương thiện.

Tìm cách chân thành tháo gở đó là can đãm.

Hảy đi ra ngoại quốc với điều kiện và tâm trạng đó đi thì người ta sẽ đón tiếp các ông niềm nở hơn. Cựu Tướng Lãnh Thein Sein đã biết bỏ quân phục, gở quân hàm, bỏ đường lối cai trị quân phiệt, thả tù chánh trị ra để làm Tổng Thống dân sự của nước Miến Điện. Ông ấy đã được cả thế giới hoan nghênh.

. . . . .

Nhưng thật là sai lầm khi ở trong tình thế bị nguy cơ mất nước lại hấp tấp bỏ tiền ra đi mua vũ khí hay đi Mỹ đi Tây xin giúp đở.

Từ Hai Bà Trưng đến Hoàng Đế Nguyễn Huệ, để đối phó với ngoại xâm Tổ Tiên ta biết huy động lòng dân chớ không có đi cầu viện.

Sự đồng lòng giữa người lãnh đạo và quần chúng mới là cái vũ khí quyết định. Điều kiện này hiện nay không có. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã từng khinh thường quần chúng và đàn áp quần chúng. Bây giờ phải gấp rút thấy những lỗi lầm ấy và tháo g bằng hai bước.

Bước thứ nhứt là Đảng Cộng Sản Việt Nam phải quây 180 độ hòa giải lại với dân tộc.

Bước thứ hai là Đảng Cộng Sản Việt Nam phải gấp rút trả lại quyền làm người cho mọi công dân.

Đường trở về tất nhiên là rất khó khăn, nhưng đó là con đường duy nhứt mà người cộng sản hồi tâm có thể đi để cứu nước và chỉ có người cộng sản hồi tâm mới làm được.

Các ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận gần đây đã vạch đường.

Các đảng viên cộng sản Việt Nam hảy chứng tỏ lòng yêu nước của mình đi.


HỒ TẤN VINH
Melbourne
21 tháng 9 năm 2013

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh