Đào Văn Bình
Nghe là sự vận hành tự nhiên của một cơ thể bình thường. Thế
nhưng sự vận hành này tuy tự nhiên nhưng không phải hoàn toàn phóng
túng, bừa bãi, vô tổ chức…mà có chọn lọc. Chúng ta có thể ví lỗ tai
(nhĩ căn) của chúng ta giống như một chú lính. Khi nhận được một tín
hiệu, một thông điệp, một tin tức nào…thì chú vội vàng báo ngay cho chủ
tướng của mình - không ai khác hơn là chính Ta. Mà cái Ta này chính là
cái Tôi hay cái Ngã do Nhãn (Mắt), Nhĩ (Tai), Tị (Mũi), Thiệt (Lưỡi),
Thân, Ý (Ý thức) kết hợp lại mà thành. Khi một "tin tức" tốt được "báo cáo"
thì vị chủ nhân hân hoan nói, "Được, chú tiếp tục nói đi." Lúc đó vị
"chủ tướng" tức cái Ngã, lim rim tận hưởng khóai cảm của những lời tán
tụng, những lời du dương, những lời ngon ngọt gửi tới. Thật sướng lỗ
tai! Thế nhưng khi một lời nói khó chịu, một lời nói bất ưng được báo
vào thì ông tướng lập tức nổi giận, quát tháo ầm ĩ "Cút đi! Ta không
muốn nghe nữa!" Thật tội nghiệp cho chú lính. Chú chạy biến ra ngòai,
ngồi xuống rầu rĩ bịt kín lỗ tại lại. Trong khi đó thì "ông tướng" có
thể vẫn tiếp tục nổi trận lôi đình, chửi bới rân trời và chú Khẩu
(Miệng) bị vạ lây.
Nghe lời nói ngon ngọt thì dễ, nhưng nghe, hoặc lắng nghe lời nói
nghịch nhĩ thì thật khó khăn. Đối với chúng sinh bình thường, sự lắng
nghe đã khó, còn đối với những nhân vật gọi là quyền cao chức trọng,
giầu có, tăm tiếng, thế lực, nổi tiếng v.v..thì sự khó khăn đó còn tăng
gấp bội, bởi vì cái Tôi, cái Ngã của những vị này rất lớn. Nhìn vào
lịch sử Trung Hoa, chúng ta thấy biết bao trung thần, nghĩa sĩ đã chết
vì những lời tâu trình nghịch ý vua. Khá hơn là những ông vua, tuy
không ra lệnh chém đầu nhưng lại bỏ tù, hoặc tước hết phẩm trật, đuổi
về quê những ông quan dại dột tâu lên những điều mà nhà vua không muốn
nghe. Còn tại triều đình Âu Châu, các ông vua Tây Phương tuy không đến
nỗi ác độc như vậy, nhưng lại có một lối "bịt tai" một cách rất "thông
minh". Các ông vua này nuôi mấy anh hề, chạy lăng xăng trước ngai
vàng. Khi có quan đại thần nào tâu trình điều gì thì mấy anh hề làm trò
khiến vua cười sặc sụa. Và dĩ nhiên như thế vua có thể "đổ thừa" là
"Trẫm có nghe gì đâu!". Quan đại thần lúc đó chỉ có nước lạy tạ mà lui
ra. Còn tại Hoa Kỳ, một quốc gia được coi như triệt để bảo vệ quyền tự
do ngôn luận và mọi người thảo luận trong tình thần ôn hòa, tương kính.
Tuy nhiên không phải tất cả đều như vậy. Quý vị nào theo dõi các buổi
hội luận, phát biểu ý kiến trên các đài truyền hình lớn như Fox News,
CNN…chắc đã thấy rất nhiều trường hợp, các người tranh luận không thèm
lắng nghe người đối diện mình nói, hoặc chờ cho đối thủ của mình nói
xong. Cả hai người đều tranh nhau nói, khiến khán giả chẳng biết ông
nói gì, bà nói gì, và dĩ nhiên chỉ có nước lắc đầu cười trừ. Ở đây sự
xung đột ý kiến lên tới mức trầm trọng khiến người ta không thèm lắng
nghe nhau mà chỉ muốn phát biểu ý kiến của mình.
Thế nhưng trong số vô lượng chúng sinh đã và đang ngụp lặn, luân hồi
trong Thế Giới Ta Bà này, có một nhân vật rất lạ lùng, đó là Ngài Quán
Thế Âm Bồ Tát đã phát hạnh nguyện lắng nghe; lắng nghe sự
khổ đau cũng như nỗi bất ưng của muôn lọai chúng sinh mà đến cứu giúp.
Mà ngài đã thể hiện hạnh nguyện đó từ vô lượng kiếp trước. Do đâu mà
chúng ta biết được hạnh nguyện của vị đại Bồ Tát hi hữu này?