2012/07/23

Nghị Quyết 36: Xin hãy Cảnh Giác!

Tác giả: Đỗ Thái Nhiên
Người đọc: Đặng Sơn Minh

LS Đỗ Thái Nhiên

Trên đấu trường quân sự, muốn đánh chiếm căn cứ A, nhiều khi vị chỉ huy chiến trường phải điều quân quấy nhiễu các căn cứ B, C và D, nhằm đánh lạc hướng phòng thủ của đối phương. Sau giai đoạn quấy nhiễu cần thiết, một cách bất ngờ, vị chỉ huy kia ra lệnh cho các đơn vị thuộc quyền tập trung toàn bộ hỏa lực, tấn công dứt điểm căn cứ A. Trong trường hợp này, các căn cứ B, C và D là DIỆN. Căn cứ A chính là ĐIỂM.

Ngày 26 tháng 03 năm 2004, Bộ Chính Trị Đảng CSVN đã ra "nghị quyết số 36-NQ/TƯ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài". Nghị quyết này đề cập đến rất nhiều vấn đề khác nhau: nào là người Việt Nam ở nước ngoài chưa thực sự "gắn bó giúp đỡ lẫn nhau", nào là chính sách "đại đoàn kết" của đảng CSVN, nào là người Việt Nam ở nước ngoài là "một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam", nào là và nào là… Giữa cảnh rừng "nào là" kia đâu là DIỆN, đâu là ĐIỂM? Đi tìm ĐIỂM trong trường hợp này tức là chúng ta cần cẩn thận khảo sát toàn bộ nội dung của nghị quyết 36.

Nghị quyết 36 được chia ra thành bốn phần rõ rệt:
 
PHẦN THỨ NHẤT: "Tình hình và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua" (nguyên văn chữ dùng của CSVN)

Nghị quyết 36 ghi nhận: "Hiện nay có khoảng 2,7 trịêu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghịêp phát triển". Nghị quyết 36 viết tiếp rằng: người Việt Nam ở nước ngoài "có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế – chính trị – xã hội ở nước sở tại, có tác động ở mức độ khác nhau tới mối quan hệ giữa các nước đó với Việt Nam" và rằng: "một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế khoa học ở nước sở tại".

Đối với sự việc cộng đồng Việt Nam hải ngọai đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ nhân quyền, nghị quyết 36 hằn học lên án: "Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam".

Dưới mắt nhìn của CSVN: tiềm năng vận động ngoại giao của cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại rất mạnh mẽ, đồng thời quyết tâm đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam của cộng đồng này cũng rất gay gắt.

Sự thể vừa nói đã buộc CSVN đối diện với các nan đề ngoại giao liên hệ tới sinh mệnh chính trị của chế độ độc tài. Nhằm giải trừ nan đề này, từ vài năm qua, CSVN đã tuyên truyền rầm rộ về chủ trương và chính sách "đổi mới" của đảng CS đối với người Việt hải ngoại. Thế nhưng theo sự đánh giá của nghị quyết 36 chủ trương và chính sách chiêu dụ kia "chưa được quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ" (nguyên văn).
 
PHẦN THỨ HAI: "Chủ trương và phương hướng công tác đối với Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới"

Những điều được gọi là "chủ trương và chính sách" của CSVN nói ở phần một chỉ là những suy nghĩ và việc làm vá víu, đôi khi tiền hậu bất nhất. Phần hai của nghị quyết 36 mới chính thức là nhận thức toàn diện và triệt để của Bộ Chính Trị Đảng CSVN đối với sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại. Các nhận thức đó như sau:
 
Một là: "Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài … đều được tập họp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Ở đây nghị quyết 36 tuyệt đối KHÔNG NHẮC TỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC CHÍNH KIẾN với đảng CSVN. Như vậy đoàn kết chỉ có nghĩa là đoàn kết sau lưng đảng CS.

Hai là: "Người Việt Nam ở nước ngoài là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta và các nước". Vì vậy nghị quyết 36 khẳng quyết "đảng và nhà nước mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước bà con sinh sống với nước nhà".
 
PHẦN THỨ BA:
"Nhiệm Vụ Chủ Yếu"

Phần này là phần phương pháp luận của nghị quyết 36. Nhằm biến cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại trở thành công cụ ngoại giao cho chế độ CSVN, nghị quyết 36 hoạch định hai phương pháp chủ yếu:

* PHƯƠNG PHÁP CỦ CÀ RỐT: phương pháp này gồm bốn củ cà rốt chính:

_ CÀ RỐT MỘT: Tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Hải Ngoại về thăm Việt Nam

_ CÀ RỐT HAI: Đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt dành cho người Việt ở nước ngoài đặc biệt là thế hệ trẻ.

_ CÀ RỐT BA: Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác phủ dụ bằng thông tin, tuyên truyền. Hỗ trợ việc ra báo viết, mởi đài phát thanh ở nước ngoài. Nói chung là TRUYỀN THÔNG QUỐC DOANH của CSVN sẽ được "XUẤT KHẨU" ra hải ngoại.

_ CÀ RỐT BỐN: Mời gọi người Việt Hải Ngọai "làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương cửa Việt Nam với nước ngoài". Hoặc: "Tranh thủ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiến hành hoạt động, vận động, tư vấn về pháp lý trong quan hệ với nước bà con làm ăn sinh sống".

Nói chung, nghị quyết 36 quyết tâm đưa đẩy người Việt Nam Hải Ngoại rơi vào NHIỆM VỤ TAY CHÂN đắc lực cho guồng máy ngoại giao của CSVN. Nhớ rằng dù là nhiệm vụ đắc lực nhưng mãi mãi chỉ là nhiệm vụ tay chân mà thôi.

* PHƯƠNG PHÁP CÂY GẬY: Trong trường hợp phương pháp củ cà rốt tỏ ra không hữu hiệu: cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại vẫn kiên trì và mạnh mẽ đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam, nghị quyết 36 buông lời hăm dọa: đảng và nhà nước sẽ "có biện pháp phù hợp đấu tranh với những biểu hiện cố tình đi ngược lại lợi ích dân tộc, phá hoại quan hệ giữa các nước có đông người Việt Nam sinh sống với Việt Nam". Lời đe dọa thật ngắn, thật thoáng qua nhưng bóng dáng của những tên đặc công khủng bố đã hiện ra rất rõ nét. Sự thể này chứng tỏ mãi cho đến năm 2004, CSVN vẫn còn là người khách cực kỳ xa lạ đối với nền văn minh dân chủ.
 
PHẦN THỨ TƯ: Tổ Chức Thực Hiện

Phần này là phần phân chia nhiệm vụ. Từ trung ương đảng, chính phủ đến tất cả cấp ủy đảng địa phương đều phải nghiêm chỉnh và tích cực thực thi nghị quyết 36.

Sau khi khảo sát toàn bộ nội dung của nghị quyết 36, chúng ta nhận ra rằng từ cách đặt vấn đề, nhận thức vấn đề, đến phương pháp luận của vấn đề, tất cả đều NHẰM MỤC ĐÍCH BIẾN CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM HẢI NGOẠI THÀNH CÔNG CỤ CỦA CSVN TRÊN BANG GIAO QUỐC TẾ. Đó chính là ĐIỂM của nghị quyết 36. Những lời lẽ ca tụng người Việt hải ngọai yêu nước đi kèm với sự diễn tả thái độ ân cần của CSVN đối với những người sống xa quê hương chỉ là DIỆN.

Kỹ thuật vận dụng ĐIỂM và DIỆN trong nghị quyết 36 nhằm chủ đích tạo cho người Việt Nam có ảo tưởng rằng nghị quyết 36 là sản phẩm của tình thân mến giữa đồng bào với đồng bào, nó không hề ẩn chứa trong nó tham vọng biến người Việt hải ngọai trở thành những tay sai ngọai giao. Bây giờ câu chuyện ĐIỂM và DIỆN đã được giải bầy.

Sự việc CSVN bị bắt buộc phải nhìn nhận vai trò ngoại giao quan trọng của cộng đồng VN hải ngọai đã làm cho chúng ta liên tưởng tới quốc gia VN với một cấu trúc vô cùng đặc biệt. Cấu trúc đặc biệt đó được biện giải như sau: trước kia, VN chỉ có thể thi hành tác vụ ngoại giao thông qua hệ thống tòa đại sứ. Hệ thống này chỉ là những VỊ KHÁCH làm việc trên lãnh thổ của các quốc gia mà VN bang giao. Với tư cách người khách, năng quyền ngoại giao của hệ thống tòa đại sứ rất hạn chế.

Sau 30 tháng 4, 1975, cộng đồng VN hải ngoại thành hình tại hầu hết những quốc gia giầu mạnh nhất thế giới. Thành viên của cộng đồng này đều mang quốc tịch của quốc gia sở tại. Do đó người Việt hải ngoại có năng quyền của người vừa phải đóng thuế, vừa có quyền ứng cử và bầu cử. Họ thực sự là CHỦ NHÂN của quốc gia mà họ sinh sống. Họ có khả năng thông qua các vị dân biểu của họ để chấp thuận hay bác khước mọi đề nghị của Bộ Ngoại Giao CSVN.

Sinh mệnh chính trị của một chế độ bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với hai khối công việc: NỘI VỤ và NGỌAI VỤ. CSVN cưỡng chíêm NỘI VU. Hệ thống cộng đồng VN hải ngọai càng ngày càng có khả năng nắm giữ vững vàng CHÌA KHÓA NGOẠI VỤ. Từ đó quốc gia VN ngày nay vận hành theo một cấu trúc đặc biệt gọi là CẤU TRÚC MÔI VÀ RĂNG. MÔI là VN quốc ngoại. RĂNG là VN quốc nội. VN chỉ thực sự hạnh phúc và thịnh vượng chừng nào MÔI và RĂNG hợp tác mật thiết với nhau, thông qua một gạch nối hợp lý.

Gạch nối hợp lý kia chẳng là gì khác hơn là chế độ tự do dân chủ. Thay vì thành tâm xây dựng tự do dân chủ, CSVN đang sử dụng nghị quyết 36 để tạo kết hợp cưỡng ép và gian dối giữa môi và răng. Nghị quyết 36 rõ ràng là một sản phẩm chính trị tật nguyền. Nó bao gồm những lời dụ dỗ vụng về cộng với các biện pháp đe dọa vu vơ. Hơn thế nữa, nghị quyết 36 còn rõ ràng là bức tranh minh họa trình độ ấu trĩ tệ hại của CSVN trên địa bàn bang giao quốc tế. Với tư cách là những thành viên của VN quốc ngoại, người Việt hải ngoại không thể không đặt câu hỏi: chúng ta nên ứng xử như thế nào đối với nghị quyết 36? Câu trả lời nằm ở nội dung của các bài viết kế tiếp.
 
LS ĐỖ THÁI NHIÊN

No comments:

Post a Comment