2012/07/06

Luật Cải Tổ Y Tế: Hợp Hiến

Luật Cải Tổ Y Tế: Hợp Hiến
Vũ Linh
...bảo hiểm cho 30 triệu người hiện không có bảo hiểm... xẩy ra tình trạng thiếu nhà thương, thiếu bác sĩ, thiếu thuốc...

Bộ luật quan trọng nhất TT Obama đã cho ra đời là luật Cải Tổ Y Tế. Ông đã dành phần lớn thời giờ, công sức, tiền bạc, và nhất là vốn liếng chính trị của ông trong nhiệm kỳ đầu để thông qua luật này, bất chấp những ý kiến chống đối cho rằng thời điểm đó chưa phải là lúc lo vấn đề dài hạn là cải tổ chế độ y tế, mà phải là lúc lo giải quyết khủng hoảng kinh tế cùng với vấn nạn thất nghiệp.

Dưới một khiá cạnh, cố gắng của TT Obama hoàn toàn có thể hiểu được. Không ai chối cãi y tế Mỹ có vấn đề và cần phải được cải tổ. Đây là sự thật tất cả mọi người đều đồng ý, bất kể bảo thủ hay cấp tiến, Cộng Hòa hay Dân Chủ. Từ nửa thế kỷ nay, tổng thống hay quốc hội nào,  dù Cộng Hoà hay Dân Chủ, cũng muốn sửa đổi. Nhưng chưa một ai làm được gì nhiều, mà chỉ cải tổ từng bước nhỏ. TT Obama, với tham vọng cực lớn, đã muốn "làm chuyện để đời" dựa trên cái vốn liếng chính trị vĩ đại mà dân Mỹ đã cho ông khi bầu ông với số phiếu nhiều nhất lịch sử Mỹ, cũng như đã cho đảng Dân Chủ đa số tuyệt đối tại cả hai viện quốc hội. Cơ hội ngàn vàng ông không thể bỏ qua. Cải tổ y tế là chuyện để đời cần phải làm ngay khi có cơ hội, trong khi thất nghiệp là chuyện nhất thời theo chu kỳ kinh tế, trước sau gì vài năm nữa cũng sẽ hết. Và ông đã thành công, thông qua được bộ luật dày gần 3.000 trang với hơn 470 điều khoản.

Sự thành công này, TT Obama đã phải trả một giá thật đắt. Đây là bộ luật lớn tạo tranh cãi nhiều nhất lịch sử Mỹ. Bộ luật được quốc hội thông qua tuyệt đối theo lằn ranh đảng phái, phản bác ngay chủ trương đại đoàn kết mà TT Obama hô hào khi còn tranh cử. Cũng là bộ luật bị chống đối nhiều nhất khi 60% quần chúng muốn thu hồi một phần hay trọn vẹn bộ luật này. Vì bỏ hết công sức vào luật này, nên TT Obama đã không đặt ưu tiên vào chuyện giải quyết khủng hoảng kinh tế, đưa đến tình trạng kinh tế vẫn èo uột trong gần hết nhiệm kỳ đầu của ông. Tùy cách nhìn của thiên hạ, luật này đã trở nên thành quả vĩ đại nhất hay thảm họa lớn nhất TT Obama để lại cho hậu thế.

Một cách tổng quát, luật mới dựa trên năm điểm chính:

- Tất cả mọi người đều bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt tiền khá nặng.

- Nhà Nước sẽ trợ cấp tiền mua bảo hiểm cho những người không có lợi tức hay lợi tức thấp.


- Tất cả các công ty có 50 nhân viên trở lên đều phải mua bảo hiểm tập thể cho nhân viên.


- Hãng bảo hiểm bắt buộc phải chấp nhận khách hàng, dù người đó đang có bệnh nặng, mà không được tính bảo phí cao hơn.


- Bảo hiểm của cha mẹ phải bao gồm luôn tất cả con cái tới 26 tuổi còn đang sống chung.


Theo TT Obama, với luật này, chẳng những tất cả mọi người đều có an toàn y tế, mà chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế cũng sẽ giảm toàn diện, tức là có lợi trên phương diện xã hội và kinh tế luôn. Thực tế, tất cả những điều trên đều tốt trên khiá cạnh nhân đạo và xã hội, nhưng ảnh hưởng kinh tế lại rất tai hại.

Phiá Cộng Hoà còn một lo ngại nữa. Hai mươi sáu thống đốc Cộng Hòa truy tố luật Cải Tổ Y Tế ra tòa vì vi phạm Hiến Pháp, đi quá thẩm quyền của chính quyền liên bang khi áp đặt luật lên cả nước. Các tòa dưới đã có những quyết định không thuần nhất, chỗ thì đồng ý với các thống đốc, chỗ thì chấp nhận luật. Đi đến Tối Cao Pháp Viện (TCPV). Để rồi TCPV ngày 28/6 đưa ra quyết định tối hậu: luật Cải Tổ Y Tế không vi phạm Hiến Pháp. TCPV dĩ nhiên không nhận định vấn đề cải tổ tốt hay xấu, có lợi hay hại, ở điểm nào, mà chỉ cứu xét tính hợp hiến hay không thôi. Trừ phi luật này bị khối bảo thủ thu hồi lại bằng cách nào đó, còn không thì TT Obama đã thành công để lại cho hậu thế một bộ luật "để đời" với những thay đổi vĩ đại trong hệ thống y tế Mỹ.

Đây là lần thứ hai trong một tuần mà TT Obama đã đạt được thắng lợi lớn tại TCPV. Hai ngày nắng liền sau cơn mưa ngâu kéo dài hai tháng trời.

Đầu tuần, TCPV cũng đã biểu quyết về một vấn đề quan trọng khác, luật Di Trú của tiểu bang Arizona. TT Obama truy tố bộ luật này ra tòa vì cho rằng luật này đã đi quá quyền hạn của tiểu bang. TCPV đã đồng ý với TT Obama, vấn đề di dân thuộc thẩm quyền chính phủ liên bang, chứ tiểu bang không có quyền gì.

Cả hai thắng lợi này đều là những bất ngờ khi truyền thông đều nhất loạt tiên đoán TCPV sẽ có quyết định bất lợi cho TT Obama.

Quyết định về luật Cải Tổ Y Tế đã nổi bật vì có tới hai điểm bất ngờ.

1. TCPV từ mấy thập niên qua đã khá cân bằng về khuynh hướng chính trị: bốn thẩm phán cấp tiến chủ trương nới rộng quyền hạn liên bang, bốn thẩm phán bảo thủ chủ trương bảo vệ quyền lợi của tiểu bang, và một trung dung, lập trường có thể tả hay hữu, không nhất định, là thẩm phán Anthony Kennedy, là người bảo thủ, bổ nhiệm bởi TT Reagan. Ông này thường là tiếng nói quyết định. Trong hai cuộc chất vấn về luật Di Trú và luật Cải Tổ Y Tế, ông Kennedy đã đặt những câu hỏi hóc búa nhất, khiến các chuyên gia đoán ông sẽ biểu quyết theo khối bảo thủ, tức là sẽ bất lợi cho TT Obama. Cuối cùng thì truyền thông đã tiên đoán đúng một phần: trong cả hai quyết định, ông Kennedy biểu quyết theo khối bảo thủ thật. Nhưng điều truyền thông không tiên đoán được là trong cả hai trường hợp, Chủ Tịch TCPV (Chief Justice), ông bảo thủ John Roberts do TT Bush con bổ nhiệm lại là người "xé rào", bầu theo bên cấp tiến, đưa đến chiến thắng cho TT Obama. Lý do về sự xé rào của ông Roberts sẽ đi vào lịch sử như một trong những bí mật quan trọng mà không ai có lời giải thích thỏa đáng.

2. Thẩm phán Roberts giải thích quyết định của khối đa số trong TCPV: việc bắt mọi người mua bảo hiểm y tế, nếu không mua sẽ bị phạt, không phải là một giao dịch thương mại liên tiểu bang bị chi phối bởi luật Thương Mại Liên Tiểu Bang (Inter-State Commerce Law), như chính quyền Obama khẳng định. Nếu thật sự là một giao dịch thương mại thì luật Cải Tổ Y Tế đã vi phạm Hiến Pháp như các thống đốc Cộng Hoà khiếu nại. Theo ông Roberts với sự đồng ý của các thẩm phán cấp tiến, bắt buộc mua bảo hiểm và phạt tiền thật sự là một loại thuế đánh trên người dân, và do đó hợp Hiến vì quốc hội có quyền ra luật bắt dân đóng thuế.

Kèm theo quyết định trên, TCPV cũng đã bác điều khoản cho phép chính quyền liên bang cắt trợ cấp medicaid cho các tiểu bang nào không chấp hành luật mới. TCPV như vậy đã quyết định giới hạn quyền hạn của liên bang, sẽ được khối bảo thủ hoan nghênh và sẽ có hậu quả rất lớn trong vấn đề phân ranh quyền hạn liên bang và tiểu bang trong tương lai.

Quyết định của ông Roberts đã được truyền thông bàn luận rất nhiều, với phe bảo thủ cho rằng ông đã có những tính toán chính trị, muốn bảo đảm TCPV không bị mang tiếng phe đảng để giữ uy tín cho TCPV và cho cá nhân ông, trong khi phe cấp tiến –kể cả TT Obama- trước đây sỉ vả ông phe đảng thì bây giờ ca tụng ông là Bao Công tái thế. Ông đã tìm được giải pháp không ai nghĩ đến để vừa giới hạn quyền hành của chính quyền liên bang để thoả mãn khối bảo thủ, vừa không phải thu hồi luật Cải Tổ Y Tế để thoả mãn khối cấp tiến.

Đáng chú ý là vấn đề "thuế". Ở đây, ông Roberts chỉ nhìn vấn đề hợp Hiến hay không, chứ không quan tâm đến các hậu quả kinh tế. Thẩm phán Roberts đã viết rất rõ, TT Obama do dân chúng bầu lên và trao cho quyền quyết định chính sách, TCPV không có trách nhiệm bảo vệ dân chúng chống những hậu quả của sự lựa chọn chính trị của họ.

Ngay từ đầu, phe bảo thủ Cộng Hoà đã khẳng định như TCPV phán quyết, việc bắt mua bảo hiểm và đóng tiền phạt là một hình thức thuế. Tiền phạt là tiền đóng cho Nhà Nước để Nhà Nước có phương tiện cung cấp dịch vụ y tế cho mọi người. Đó là thuế, cũng không khác gì thuế lợi tức, thuế nhà, thuế rác… Nhưng TT Obama đã khẳng định đây không phải là thuế. Bây giờ thì TCPV xác nhận dựa theo định nghiã của Hiến Pháp, đây chính là một hình thức "thuế". Một là TT Obama đã không nói thật với dân, tăng thuế mà không chịu nhận là tăng thuế, hai là ông là một luật sư giảng dậy về luật Hiến Pháp (Constitutional Law) mà không biết gì về luật này.

Điều tai hại cho TT Obama là ông đã từng cam kết chỉ tăng thuế nhà giàu, mà bây giờ, qua luật Cải Tổ Y Tế, ông đã tăng thuế, mà tăng rất mạnh, trên những người nghèo nhất. Đối với các đại gia thì chuyện mua bảo hiểm là chuyện nhỏ, nhưng đối với dân nghèo, mua bảo hiểm, nhất là trong những ngày tháng tới khi các hãng bảo hiểm bị bắt buộc phải tăng bảo phí, là một xa xi phẩm mà nhiều người không gánh chịu nổi. Bây giờ thì theo luật, họ bị bắt buộc phải đóng thuế cho Nhà Nước Obama nếu không mua bảo hiểm.

Quyết định của TCPV là một chiến thắng lớn của TT Obama, nhưng chỉ giải quyết được một vấn đề: đó là tính hợp hiến thôi. Còn những hậu quả kinh tế xã hội của luật cải tổ y tế vẫn không có gì thay đổi.

Ngay từ đầu, luật Cải Tổ Y tế, gọi là Obamacare, đã bị chống đối vì nhiều lý do quan trọng:

1. Bắt các hãng bảo hiểm phải nhận tất cả mọi người dù đã có bệnh nặng từ trước, và không được tính bội phí đối với những người có bệnh này, sẽ đưa đến tình trạng chi phí quá lớn cho các hãng bảo hiểm, và họ sẽ phải tăng phí bảo hiểm đồng loạt cho tất cả mọi người, kể cả những người không có bệnh. Chi phí này sẽ trở thành quá lớn, nhất là cho giới trẻ là giới vẫn cho rằng mình không có nhu cầu bảo hiểm, và mua bảo hiểm chỉ là hành động bỏ tiền mua một món hàng cho người khác xài –các người già có bệnh-. Giới này thà chấp nhận đóng thuế phạt chứ không mua bảo hiểm. Kết quả là vẫn sẽ có một số lớn dân không có bảo hiểm.

2. Nhận tất cả những người có bệnh nặng từ trước và cung cấp bảo hiểm cho 30 triệu người hiện không có bảo hiểm sẽ đưa đến tình trạng mức cầu tăng nhanh quá mức cung, sẽ xẩy ra tình trạng thiếu nhà thương, thiếu bác sĩ, thiếu thuốc cho tất cả mọi người. Mà thiếu có nghiã là phẩm chất dịch vụ y tế sẽ suy giảm, trong khi giá cả lại tăng theo đúng luật kinh tế thị trường. Tức là tiền bảo hiểm, tiền thuốc, tiền bác sĩ, tiền nhà thương sẽ đều tăng hết chứ không thể giảm như TT Obama hứa hẹn.

3. Nhà Nước trợ cấp chi phí bảo hiểm y tế cho những người lợi tức thấp sẽ trầm trọng hoá thâm thủng ngân sách và mức nợ công, đến quá tầm tay của Nhà Nước. Tình trạng thâm thủng ngân sách và công nợ quá mức đến lúc nào đó bắt buộc phải giải quyết, hoặc là bằng tăng thuế, hoặc là bằng cắt chi tiêu, tức là cắt trợ cấp. Có thể lúc đó, mười năm nữa, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng Hy Lạp, nhưng Obama đã không còn là tổng thống nữa.

4. Các chuyên gia ước lượng phần lớn số người mới được cung cấp bảo hiểm sẽ ở trong tình trạng có thể được Medicare hay Medicaid (hay Medical ở tiểu bang Cali), do đó, những trợ cấp dành cho mỗi người sẽ bị cắt giảm mạnh vì số người nhận tăng mạnh trong khi ngân sách lại bị cắt bớt. Cái bánh nhỏ đi mà lại có nhiều người ăn hơn nên phần của mỗi người bắt buộc phải nhỏ đi nhiều. Một số khá lớn dân tỵ nạn sống dựa vào medicare và medicaid.

5. Chi phí bảo hiểm sẽ là một gánh nặng chi tiêu cho các công ty, nhất là các công ty nhỏ, đưa đến tình trạng các hãng nhỏ sẽ không thuê quá 49 người hay sẽ sa thải bớt nhân viên, xuống dưới mức 50 nhân viên. Tăng chi phí chỉ tăng những khó khăn tài chánh trong thời buổi kinh tế suy xụp hiện nay, tạo áp lực sa thải bớt nhân viên, giới hạn việc thuê thêm nhân công, cắt lương, cắt giờ làm, đổi chương trình bảo hiểm, hay tăng giá bán đưa đến lạm phát. Toàn là những giải pháp không mấy hấp dẫn vì chỉ trầm trọng hoá nạn thất nghiệp và trì trệ kinh tế. Hầu hết các cơ sở kinh doanh của dân tỵ nạn ta đều là công ty nhỏ.

Quyết định của TCPV sẽ ảnh hưởng như thế nào lên cuộc bầu cử tổng thống sắp tới?

Bình luận gia không phải là thầy bói mù tiên đoán thời cuộc nên kẻ viết này không đoán mò kết quả bầu cử. Chỉ có thể nghĩ rằng thất bại này của khối bảo thủ sẽ kích động họ tích cực đi vận động và bầu cho TĐ Romney và các dân cử Cộng Ho Vxà vì chỉ có bầu TĐ Romney và các dân cử Cộng Hòa thì mới có hy vọng thu hồi được luật Cải Tổ Y Tế của TT Obama. Trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi TCPV công bố quyết định, TĐ Romney đã nhận được ngay hơn một triệu đô tiền yểm trợ qua trang mạng của ông. Tuy vậy, muốn thu hồi luật, Cộng Hòa cần phải lấy lại Tòa Bạch Ốc, giữ đa số tại Hạ Viện, và chiếm đa số tại Thượng Viện. Không dễ chút nào.

Nếu luật Cải Tổ Y Tế không thu hồi được, thì chúng ta sẽ phải chuẩn bị để hứng chịu hậu quả, khi luật có hiệu lực toàn diện vào năm 2014. Thầy bói mù nào cũng tiên đoán được trong ngắn hạn, kinh tế tiếp tục trì trệ và thất nghiệp vẫn cao vì các hãng xưởng sẽ không thuê thêm nhân công để tránh trả tiền bảo hiểm; và trong dài hạn, chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế sẽ tăng, trợ cấp medicare và medicaid sẽ giảm, thời gian chờ đợi đi khám bác sĩ hay đi mổ hay đi vào nhà thương sẽ ngày càng dài.

Dù sao thì yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử tới vẫn là vấn đề phục hồi kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp như cột báo này đã khẳng định từ lâu. TT Obama thực hiện được chuyện này thì bảo đảm sẽ tái đắc cử, nếu không thì vẫn sẽ gặp rắc rối to. Có job thì chẳng ai thắc mắc chuyện bảo hiểm sức khỏe hay tiền bác sĩ. (1-7-12)

Vũ Linh

No comments:

Post a Comment