xuôi ngược trên
CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Bài số 3
HỒ TẤN VINH
Một đứa con nít khát sữa, nó chỉ cần khóc
thét lên là mẹ nó lẹ làng vạch vú ra cho nó bú.
Một người lớn đói bụng muốn có ổ bánh mì ăn,
la làng lên không có ai cho. Một người lớn muốn có ổ bánh mì ăn phải trải qua
nhiều giai đoạn. Trước hết là phải có tiền để mua. Muốn có tiền để mua thì phải
đi làm (nếu không cần tiền thất nghiệp). Muốn đi làm thì phải cố gắng đủ mọi cách
để kiếm việc làm. Có việc làm rồi thì phải đổ mồ hôi ra mới biến thành đồng tiền
lương thiện.
Cái lý sự đơn giản này đúng ở khắp mọi nơi,
kể cả ở chánh trường.
Có rất nhiều người chống cộng rất triệt để.
Họ không chịu chấp nhận chế độ CS cải tiến từ từ, mà họ đòi hỏi phải thay đổi
hoàn toàn. Cũng tốt thôi. Nhưng nếu bọn CS ngoan ngoản chịu bàn giao chánh quyền
thì ai là người nhận bàn giao? Đâu phải chỉ một ông Thủ Tướng và vài chục Bộ
Trưởng. Tìm đâu ra các Trưởng Ty Thuế Vụ, Trưởng Ty Cảnh Sát, Trưởng Ty Quan
Thuế, Hiệu Trưởng Tiểu Học, Trung Học, Các Đại Sứ, các Tướng Tá trong quân đội,
cả trăm ngàn sếp lận? Đó mới là nói về nhân sự.
Đứng trên phương diện chiến thuật, có những
vấn đề khác cần phải tính trước. Thí dụ như đòi hỏi phải có bầu cử dân chủ. Lấy
kinh nghiệm của Miến Điện thì dễ hiểu hơn. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990, Đảng Tập Hợp Quốc Dân Vì Dân Chủ của Bà Aung
San Suu Kyi thắng 80% số ghế. Nhưng kết quả này không được quân đội thừa nhận. Đa
số Dân Biểu bị quân đội bắt nhốt, còn nhà Lãnh Đạo Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia 6 năm.
Cho nên đòi hỏi bầu cử là một chuyện, mà bảo
đảm bầu cử có được tự do, công bằng hay không là một chuyện khác. Bầu cử có tự
do công bằng mà kết quả có được tôn trọng và thi hành hay không lại là một chuyện
khác nữa.
Trong Đông Châu Liệt Quốc, chúng ta đều biết
có khi muốn cứu một thành bị vây, Tướng chỉ huy không dẫn quân đi ngay đến thành
đó mà lại dẫn quân đi đánh thành khác. Thành bị vây tự nhiên được cứu. Bài học
này là muốn thay đổi chế độ CS thì phải nghiên cứu thật kỹ. Một yêu sách căn bản
có thể đem đến tự do. Cứ nhắm ngay đòi thay đổi chế độ liền thì chỉ có ở tù.
Bà Aung San Suu Kyi lại cho ta một kinh nghiệm khác. Trước năm 2011, yêu
sách của Đảng Tập Hợp Quốc Dân Vì Dân Chủ rất là cứng rắn: tất cả Tướng Lãnh phải
ra đi và còn có thể bị truy tố về những tội ác và tham nhủng. Nhưng sau khi thắng
cử, Bà đã uyển chuyển chấp nhận cho một số Tướng ở lại cầm quyền với tư cách dân
sự và cho giữ lại tất cả tài sản cá nhân trừ vài trường hợp lộ liễu tham nhủng
thì tài sản mới phải bị giao hoàn lại cho ngân khố.
Những tính toán chiến thuật, chiến lược này
chỉ có những nhà Lãnh Đạo Đối Kháng trong nước mới có đủ tư cách định đoạt vì
chính họ còn phải sống với những hậu quả
tốt hay xấu.
Trách nhiệm của người Việt Hải Ngoại là làm
đủ mọi cách để tiếng nói của người dân trong nước nặng ký. Làm sao khi các nhà
tranh đấu dân chủ trong nước, nhứt là các Nhà Lãnh Đạo Tôn Giáo khi đi nói chuyện
với Nhà Nước Cộng Sản, họ có sức mạnh của Hải Ngoại đứng sau lưng ủng hộ.
Một người Việt - dầu cho danh phận hay học
vị của họ rất cao - đứng ở ngoại quốc hùng dũng kêu gọi người trong nước nổi dậy
hay đi biểu tình là một người hèn.
Một người Việt ở hải ngoại - hằng ngày lớn
tiếng chống cộng – mà lúc quần chúng hưởng ứng lời KÊU GỌI của Tăng Thống Thích
Quảng Độ đi biểu tình, lại lặng yên đứng ngó thì còn hèn hơn nữa.
Nếu người Việt Hải Ngoại thật lòng muốn Việt
Nam có tự do dân chủ, nếu họ thật sự muốn cứu nước, thì họ cũng phải làm như một
người lớn đói bụng muốn ăn ổ bánh mì.
Xin đừng tiếp tục làm như một đứa con nít đòi
sữa.
HỒ TẤN VINH
Úc Châu
30 tháng 7 năm 2012
(Còn tiếp)
Khai Dân Trí | Hồ Tấn Vinh |
No comments:
Post a Comment