TTXVN
Tháng 5/2012, nhóm tư vấn Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR) công bố một tài liệu về sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Đức cũng như hệ quả của vấn đề này đối với Liên minh châu Âu (EU). Như chuyên gia Francis Daho nhận xét trên tạp chí "Đại Tây Dương", bản phân tích này được công bố đúng lúc Béclin đang chèo lái châu Âu trong cơn khủng hoảng và định áp đặt nhãn quan chính trị của mình trong đó, trong khi cặp Pháp-Đức có dấu hiệu trở nên mong manh, còn Bắc Kinh dường như coi Đức là nước hữu ích nhất đối với sự lớn mạnh của mình về công nghệ.
Trong thâm tâm, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Đức là trục ưu tiên trong quan hệ với châu Âu vì lúc này Brúxen chỉ còn đóng vai trò phụ. Báo cáo phân tích nói trên đặt ra vấn đề hậu quả mà mối quan hệ kinh tế này càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Béclin có thể gây ra đối với lợi ích chiến lược của EU, như chính sách đối ngoại chung, cung ứng nguyên liệu và năng lượng, nỗ lực chống khí hậu nóng lên và mở rộng nhân quyền. Sụ cấu kết đặc biệt giữa Béclin và Bắc Kinh vừa là một vận hội, vừa là một mối đe dọa đối với các nước châu Âu khác. Sự thông đồng đó xuất hiện không đúng lúc, khi EU đang định thiết lặp một khuôn khổ chiến lược đối với mối quan hệ với Trung Quốc, xoay quanh lợi ích chung của 27 nước thành viên.
Từ khi cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tiến hành cải tố cơ cấu vào cuối những năm 1990, thành tựu kinh tế và năng lực xuất khẩu của ngành công nghiệp Đức là trọng tâm trong các vấn đề ưu tiên của Béclin. Còn Trung Quốc, với thị trường khổng lồ tiêu thụ máy công cụ và xe hơi Volkswagen hay Mercedes, lại là một trong những cái đích ưu tiên của Đức.
Mối quan tâm của Trung Quốc đối với các loại xe hơi cao cấp và công nghệ cao, cụ thể là các loại máy móc – truyền thống hay điều khiển kỹ thuật số – thuộc các loại kích cỡ khác nhau, cộng với nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc sau khi nước này năm 2008 quyết định khôi phục hoạt động tài chính, tạo nên sự bổ sung gần như hoàn hảo này: hàng hóa của Đức – nổi tiếng là bền, đáng tin cậy và chất lượng cao – cũng như việc nước này sẵn sàng chuyển giao tri thức để đổi lấy thị phần, đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc về công nghệ.
Còn Trung Quốc đang trong quá trình phát triển, ở miền Đông cũng như miền Tây đều khát khao được hiện đại hóa, là một mục tiêu nằm trong tầm ngắm của các ngành công nghiệp Đức đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ sau nhiều năm chững lại sau khi thống nhất và với cái giá phải trả quá cao về mặt xã hội do tái cơ cấu trong thời kỳ Schroeder.
Thêm vào đó là mối quan tâm của Trung Quốc đối với công nghệ xanh và năng lượng thay thế trùng họp với ưu tiên của Đức sau khi từ bỏ điện hạt nhân. Trong khi đó, các tổ hợp Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp công nghiệp Đức gặp khó khăn, hơn nữa cũng hữu ích đối với Trung Quốc vì họ đứng đầu các mạng lưới khách hàng ổn định và làm chủ công nghệ tiên tiến mà các doanh nghiệp Trung Quốc thèm khát, đặc biệt khi các doanh nghiệp này ít nhiều gắn liền với chính quyền.
Kết quả là năm 2011, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu vào Đức. Đây hoàn toàn là một sự đảo ngược vì trước đây, trong một thời gian dài, Đức nắm giữ kỷ lục châu Âu về thị phần ở Trung Quốc. Với 158 dự án vào năm 2011 – tăng gấp 10 lần trong 4 năm, Trung Quốc đã vượt Mỹ (110 dự án), Thụy Sĩ (91 dự án) và Pháp (53 dự án).
Tháng 1/2012, tổ hợp Sany của Trung Quốc chuyên sản xuất cần cẩu và máy xây dựng hạng nặng, liên doanh với CITIC để mua lại hãng Putzmeister của Đức chuyên sản xuất bơm bêtông với giá 500 triệu USD, kể cả các món nợ của công ty này. Để có được khái niệm về mức độ khác biệt, ta biết rằng công ty Đức nói trên, vốn là công ty hàng đầu thế giới về bơm bêtông công nghệ cao và thuộc sở hữu của nhà sáng lập Karl Schlecht (79 tuổi) và gia đình, hiện sử dụng 3.000 công nhân với kết quả kinh doanh năm 2011 vói 1,5 triệu euro lợi nhuận. Năm 2010, thu nhập của Sany, công ty Trung Quốc sử dụng 70.000 công nhân và kỹ thuật viên, là 4 tỷ USD. Hai tháng sau, công ty Hebei Lingyun Industrial Group Corporation, một chi nhánh của tổ hợp Norinco chuyên sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, mua lại hãng Kiekert của Đức chế tạo các hệ thống đóng cửa cho xe hơi.
Trao đổi thương mại giữa Đức và Trung Quốc, đều là các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, cũng gia tăng cùng nhịp độ đó. Năm 2010, 22% tổng lượng hàng xuất khẩu của Đức được bán sang Trung Quốc so với chỉ 2% vào năm 2000. Hiện nay, Đức là nước châu Âu nhập khẩu nhiều hàng nhất của Trung Quốc, với 30% tổng lượng hàng xuất của Trung Quốc sang EU vào năm 2011.
Trung Quốc và Đức xích lại gần nhau cũng do tầm quan trọng của thặng dư thương mại giữa hai nước. Trao đổi thương mại song phương tăng 4 lần trong 10 năm và đạt 144 tỷ euro. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cuối tháng 4/2012 nói ông muốn thương mại Trung Quốc-Đức đạt 220 tỷ euro vào năm 2015, tức 56% trao đổi thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ và 50% giữa Trung Quốc với 27 nước thành viên EU.
Cảm giác chung có được từ tài liệu phân tích trên là sự khác biệt giữa một bên là nhãn quan chiến lược của Trung Quốc luôn tìm kiếm đối trọng với Mỹ đồng thời nhanh chóng tiếp cận công nghệ cao mà họ đang thiếu, và bên kia là lợi ích của Đức gần như chỉ có tính chất kinh tế và thương mại.
Dường như dự đoán trước được sự trỗi dậy của một châu Âu dưới ảnh hưởng của Đức nên Trung Quốc có ý địch xích lại gần chỉ với riêng Đức mà không cần đến Brúcxen. Đối với Bắc Kinh, đi đường tắt càng thích hợp hơn khi Đức chỉ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao mà họ đang cần để phát triền. Nhưng lập trường duy ý chí của Bắc Kinh gây ra rạn nứt trong EU và càng làm cho châu Âu khó khăn hơn trong việc đoàn kết và gắn kết về vấn đề Trung Quốc.
Hơn thế nữa, Bắc Kinh xác định được rằng Đức phụ thuộc vào mình nên đã bắt đầu – hay có thể đã bắt đầu – sử dụng mối quan hệ ưu đãi với Béclin và anh hưởng của mình đối với 27 nước thành viên với ý định làm thay đổi lập trường của EU về nhiều vấn đề có tầm quan trọng chiến lược thuộc thẩm quyền của Brúcxen, như lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu, trao quy chế kinh tế thị trường, hay vấn đề nhân quyền, Tây Tạng và Đài Loan.
Trên thực tế, đặc điểm trong cách tiếp cận của Đức về các vấn đề nhạy cảm là một thái độ rất mềm dẻo được lấy từ "Ost Politik" của Willy Brandt, trông chờ vào lợi thế của việc xích lại gần nhau về kinh tế để lấy đó làm con đường tắt tiến tới thống nhất. Đây là chiến lược được nhà xã hội- dân chủ Egon Bahr đưa ra năm 1963, được tóm tắt dưới tên gọi "Wandel durch Annaherung" – "thay đối bằng cách xích lại gần nhau"- và được thực hiện theo tinh thần của Schroeder ở Trung Quốc để tránh các vấn đề chính trị vốn tàn khốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc biết ơn Béclin về thái độ có chừng mực trong việc phê phán vấn đề nhân quyền và Tây Tạng. Tuy nhiên, ngay cả ở Đức, một số người phê phán tính chất giả nhân giả nghĩa của cách tiếp cận này, cho đó hoàn toàn là chỉ vì muốn tìm kiếm thị trường ở Trung Quốc. Một số khác lên tiếng cảnh báo những sai lệch trong chuyển giao công nghệ và xâm phạm quyền sở hữu giúp các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc tồn tại được. Nhưng các nhà công nghiệp Đức vì không muốn thị trường của mình bị suy chuyển nên đôi khi có khuynh hướng nói nhẹ đi.
Từ đó nảy sinh sự khác biệt giữa thực tế và lời nói, đến mức rốt cuộc có thể không phải là Đức đang khéo léo thao túng Trung Quốc, mà ngược lại. EU, tổ chức mà Trung Quốc không kình địch gì nhiều về phương diện chiến lược, quả thực có thể là một đối tác lý tưởng đối vói Bắc Kinh trong khái niệm thế giới đa cực của nước này.
Châu Âu có thể không những đóng vai trò đối trọng với Mỹ, trong khái niệm theo đó ý tưởng liên minh của phương Tây có thể đã suy yếu, mà còn có thể là một thị trường cho hàng xuất khẩu Trung Quốc và một kho dự trữ công nghệ cao dùng để hiện đại hóa nước này, trong khi chờ đợi nỗ lực sáng chế của mình mang lại kết quả.
Trung Quốc đưa ra lợi ích của mình với tính thực dụng rất cao có tính tới tiến triển của tình hình. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, qua một quá trình được đánh dấu bởi các cuộc thương lượng gay cấn với đại diện EU, Bắc Kinh dự đoán một cực ảnh hưởng chính trị sẽ ra đời nên tăng cường tiếp cận Brúcxen. Thậm chí năm 2003, Trung Quốc công bố một cuốn Sách Trắng về châu Âu, một văn bản đầu tiên của họ về chính sách chung liên quan đến quan hệ với một nước khác.
Nhưng đến năm 2005, do hiệp ước thể chế gặp khó khăn ở Pháp và Hà Lan nên Bắc Kinh tháo lui. Sau hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU vào tháng 12/2004 tại La Hay Lý Triệu Tinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thời đó, có thể dự đoán về tầm quan trọng của các vấn đề nội bộ của EU nên đã nói rằng nếu EU thiếu tính gắn kết chính trị chung, Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển lợi ích của mình với từng nước thành viên.
Giai đoạn điều chỉnh cuối cùng trong chiến lược của Trung Quốc đối với EU là cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính cho thấy sự mong manh của các Nhà nước thành viên khác trong EU. Nhưng tình thế đó lại giúp tăng cường vị thế của Đức, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương Trung Quốc-Đức và củng cố chiến lược của Trung Quốc ưu tiên tập trung vào Béclin để tiếp cận với EU. Điều này thể hiện ở việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Đức và mua lại thêm nhiều món nợ của nước này thông qua các quỹ tài chính công. Trên thực tế, các chiến lược gia Trung Quốc tin rằng họ nhìn thấy hai triển vọng dài hạn đặc biệt có lợi cho Bắc Kinh: đó là sức mạnh gia tăng của Béclin trong EU và sự phụ thuộc gia tăng của Béclin vào Trung Quốc.
Động năng đó có tiềm năng gây bất ổn định đối với các chiến lược của EU, thậm chí có nguy cơ đặt lại vấn đề đối với sự gắn kết và dự án chính trị của tổ chức này. Hơn nữa vì động năng đó đi ngược lại triết lý của châu Âu về quan hệ quốc tế dựa trên tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khi Trung Quốc nhìn nhận các vấn đề đó như một sự kình địch về khu vực ảnh hưởng. Béclin ý thức được nguy cơ nảy sinh từ con đường đi riêng của mình, đối với chính nước Đức và đối với cả châu Âu, từ đó yêu cầu Catherine Ashton, người đứng đầu ngành ngoại giao EU, phải có lộ trình thích hợp và sáng kiến cụ thể, nhưng không thu được kết quả là bao.
Các tác giả báo cáo phân tích nói trên xác định những điểm yếu của EU với 27 nước thành viên do không có khả năng gắn kết trước Trung Quốc, cũng như nguy cơ một mình một ngựa của Đức. Họ đề xuất Brúcxen trở lại nắm các vấn đề thông qua các dự án chiến lược lớn – không phổ biến hạt nhân, Iran, Trung Đông, Xyri, nhân quyền, tranh cãi thương mại, biến đổi khí hậu, nguyên liệu. Mặt khác, báo cáo cũng đề xuất 6 nước lớn của châu Âu (Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan) can thiệp thường xuyên hơn với các phương thức khác nhau – với quy mô 3, 4 hay cả 6 nước – tùy thuộc đó là vấn đề gì.
Khía cạnh phi thỏa hiệp và bất bình đẳng của đề nghị trên có thể khiến các nước khác khó chịu, song các tác giả báo cáo khẳng định rằng những lệch lạc đang diễn ra đòi hỏi phải cấp thiết có giải pháp độc đáo và thực tiễn, có thể là giải pháp đứng giữa chiến lược song phương – vốn giúp Bắc Kinh được lợi – và tình trạng bất động, thậm chí lộn xộn trong EU.
Trung Quốc đã hành động một cách lôgích khi chơi con bài tìm kiếm ảnh hưởng, thị trường và công nghệ trước một EU bị tê liệt, bị trì trệ do tăng quá mức số nước thành viên và thái độ dè dặt của Pháp và Anh hướng tới hội nhập chính trị. Hơn nữa, Bắc Kinh không phải là cường quốc duy nhất bỏ qua vai trò của Brúcxen. Mỹ, nước quay sang quan tâm đến châu Á, không còn để EU trong danh sách các đối tác chiến lược thích hợp nữa. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ ý kiến ủng hộ gia nhập EU chỉ trong vài năm đã giảm từ gần 80% xuống chưa đến 40%.
Trong đại gia đình châu Âu, Đức là nước lớn duy nhất thường xuyên đưa ra dự án mang tính liên bang. Điều đó là đúng với điều kiện của Đức. Nhưng điều đó khiến thực trạng quan hệ hiện nay giữa Đức với Trung Quốc trở nên càng lạ lùng hơn, khiến người ta có cảm giác Đức bị cô lập so với tất cả các đối tác châu Âu khác.
Trên thực tế, bùng nổ trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Đức trong bối cảnh châu Âu khủng hoảng nghiêm trọng lòng tin, một lần nữa đặt ra vấn đề vị trí và vai trò của Béclin ở châu Âu. Nếu vấn đề này không được giải quyết cùng một lúc với vấn đề thể chế châu Âu, sợ rằng các biện pháp sửa đổi được các chuyên gia đề xuất sẽ không mang lại kết quả./.
TTXVN
No comments:
Post a Comment