2012/07/12

Thử bàn về tính liên tục và sự kế thừa giữa các « quốc gia » Việt Nam sau năm 1945

 Trương Nhân Tuấn

Trong một bài viết trước đây liên quan đến chiến lược biển Đông và chủ quyền của VN ở các quần đảo HS và TS, tác giả có nêu vấn đề về tính liên tục quốc gia và sự kế thừa giữa các chính phủ và hai miền VN sau 1975. Những ý kiến đó hôm nay được bàn rộng thêm.

Trước hết là quan niệm quốc gia (và nhà nước) theo công pháp quốc tế. Với quan niệm quốc gia này, từ năm 1945 đến nay hiện hữu bao nhiêu quốc gia Việt Nam ? Quốc gia nào đại diện nước Việt Nam duy nhứt trước các định chế quốc tế ? Tính liên tục và kế thừa về lãnh thổ giữa các quốc gia này từ các biến cố 1954, hay năm 1975 đến nay đã được thực hiện như thế nào ? Trường hợp đặc biệt, do các tuyên bố và những hành vi mặc nhiên công nhận của nhà nước VNDCCH trong các thập niên 50, 60 và 70 về chủ quyền của TQ ở hai quần đảo HS và TS, các tuyên bố này có giá trị ràng buộc cho nước VN thống nhứt hay không ?

Bài viết này lần lượt trình bày sơ lược quan điểm của tác giả về các vấn đề này.

1. Quốc gia và các nguyên tắc về công pháp quốc tế:

Trước hết nên hiểu thế nào về thuật ngữ « quốc gia » theo quan niệm Công pháp quốc tế.
« Quốc gia – l'Etat » được cấu thành do ba yếu tố : người dân, lãnh thổ và một chính phủ. Yếu tố người dân đặt vấn đề về « quốc tịch – nationalité ». Yếu tố « lãnh thổ » đặt vấn đề « chủ quyền - souveraineté », đưa đến việc phân định biên giới (trên đất liền và trên biển) giữa các quốc gia láng giềng. Yếu tố « chính phủ - gouvernement », tức một tổ chức chính trị có khả năng tổ chức hành chính và thiết lập trật tự và an ninh xã hội cho cộng đồng dân chúng trong quốc gia đó. Yếu tố Chính phủ đặt ra vấn đề « độc lập ». Tức chính phủ này không bị lệ thuộc vào một thế lực nước ngoài.

Công pháp quốc tế hiện nay còn đặt ra tiêu chí xứng đáng về một nhà nước (chính phủ), tức « tư cách - dignité », để có thể công nhận hay không một chính phủ. Một nhà nước « xứng đáng » được đánh giá trên việc có đem lại an ninh và hạnh phúc cho người dân trong nước hay không. Một nhà nước hung tàn, bạo ngược, như nhà nước cộng sản Khmer (Khmer đỏ), nhà nước cộng sản bắc Triều Tiên, nhà nước cộng sản Việt Nam sau 75 (cho đến thập niên 90), Irak dưới thời Sadam Hussein, Serbie dưới thời Milosevic, Lybye dưới thời Khadafi hay Iran và Syrie hiện nay v.v… là các nhà nước không « xứng đáng », thường bị cộng đồng quốc tế (ONU) « lên án », hay cắt đứt ngoại giao, thậm chí còn có bổn phận can thiệp để chấm dứt sự đau khổ của người dân ở các nước này.

Trong quan hệ quốc tế, việc công nhận một quốc gia là hành vi theo đó một quốc gia thiết lập bang giao với một quốc gia khác. Việc công nhận quốc gia là chấp nhận các yếu tố đặc thù về công dân, lãnh thổ và chính phủ của quốc gia đó. Giả sử, khi nước Pháp công nhận nhà cầm quyền Bắc Kinh là chính thống lãnh đạo nước TQ thì Pháp mặc nhiên công nhận một nước Trung Hoa duy nhứt (tức công nhận Bắc Kinh thì không công nhận Đài Bắc) và Tây Tạng là lãnh thổ của TQ.

Việc công nhận quốc gia là quan trọng vì nó xác định sự hiện hữu của một quốc gia trên sân khấu quốc tế. Thủ tục công nhận thể hiện qua các việc trao đổi lãnh sự, ký kết các hiệp ước, hay bằng một tuyên bố đơn phương giữa các quốc gia. Việc công nhận có thể mang tính pháp lý « de jure », tức công nhận quốc gia như là chủ thể duy nhất, bình đẳng về độc lập và chủ quyền trước Công pháp quốc tế. Hoặc « de facto », tức một hình thức công nhận tạm thời cho những quốc gia đang thành hình.

Về nguyên tắc một quốc gia duy nhứt, đại diện quốc gia ở các định chế quốc tế là duy nhứt. Trường hợp một quốc gia bị phân chia, tức có hai vùng lãnh thổ khác biệt, có hai nhóm dân chúng khác biệt (mặc dầu có cùng quốc tịch), do hai chính phủ khác biệt lãnh đạo, thì chỉ có một vùng duy nhứt đại diện cho quốc gia ở các định chế quốc tế. Trường hợp hai miền Nam, Bắc Việt Nam trước 1975, Quốc Gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa được các định chế quốc tế chấp thuận là đại diện chính thức và duy nhứt cho quốc gia Việt Nam.

Trường hợp quốc gia bị chia cắt (có hai vùng lãnh thổ với hai chính phủ riêng biệt), một nước công nhận chính phủ này thì đương nhiên không công nhận chính phủ kia (và ngược lại). Giả sử, Hoa Kỳ (và nhiều nước khác) trước kia công nhận chính phủ họ Tưởng ở Đài Loan và không công nhận chính phủ ở Bắc Kinh, hay công nhận VNCH và không công nhận VNDCCH.

Đối với LHQ, mỗi quốc gia chỉ có một ghế đại diện. Trường hợp quốc gia chia cắt, đại diện của quốc gia là phía được số phiếu bầu nhiều nhất tại đại hội đồng LHQ, ngoại trừ trường hợp bị các thành viên thường trực trong hội đồng an ninh « phủ quyết - veto ». Chính phủ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan giữ ghế đại diện cho Trung Hoa ở LHQ đến năm 1972 thì bị đại hội đồng truất phế, thay vào đó là chính phủ ở Bắc Kinh, do việc HK không bỏ phiếu phủ quyết. Hai miền Nam và Bắc VN không bên nào có được ghế ở LHQ, do vấn đề chính trị ý thức hệ, mỗi khối ủng hộ một bên. Năm 1957 Liên Xô đề nghị hai miền Nam, Bắc VN đều được chấp nhận vào LHQ, nhưng việc này không được các bên chấp thuận (vì các bên đều giữ nguyên tắc quốc gia duy nhất).

Trường hợp quốc gia có thay đổi chính thể do biến động chính trị (do đảo chánh, cách mạng …), hay một quốc gia mới được khai sinh (do thống nhất hai quốc gia hay hai vùng lãnh thổ, quốc gia ly khai…) việc kế thừa quốc gia sẽ đặt ra nhằm tái xác định, hay phủ định, hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố đơn phương của nhà nước (hay quốc gia) tiền nhiệm đã thể hiện đối với các nước khác.

Một nội các (chính phủ hay nhà nước) có thể được một chính phủ của một nước khác công nhận (hay không công nhận) trong trường hợp nước đó có biến động ảnh hưởng nội tình chính trị (nội các thay đổi do đảo chánh, thay đổi chính thể do cách mạng v.v…).

2. Các quốc gia Việt Nam – sự liên tục và kế thừa

2.1 Quốc Gia Việt Nam (12-3-1945 – 25-8-1945) của Quốc vương Bảo Đại :
Ngày 10 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp, chiếm Đông Dương. Nhân dịp này ông Yokoyama, xưng là đại sứ Nhật, tiếp xúc với ông Bảo Đại, đề nghị trả lại độc lập cho VN. Ngày 12 tháng 3 năm 1945 Bảo Đại tuyên bố độc lập, nội dung đại khái gồm các điểm : « bãi bỏ hiệp ước bảo hộ đã ký với Pháp », « thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia » và « theo đường hướng của bản Tuyên ngôn chung của khối Đại Đông Á »… Ngày 17-4-1945, theo ý muốn của Bảo Đại, cụ Trần Trọng Kim thành lập chính phủ.

Dĩ nhiên, thái độ của Nhật không phải là tốt đẹp gì. Nếu họ có hảo ý thì họ đã trả độc lập cho VN từ lúc mới vào VN tháng 8 năm 1940, chứ không phải đợi đến lúc sắp sụp đổ mới làm. Hành động trễ tràng này cho thấy đây là cố gắng cuối cùng của Nhật trước khi thất bại trước quân Đồng Minh. Họ nghĩ rằng, khi lôi kéo được các quốc gia này vào khối Đại Đông Á, Nhật hy vọng xây dựng lại thế lực, nhờ vào lực lượng của các nước mới được độc lập, nhằm củng cố lại quân đội đang trên đà tan rã. Nhưng chỉ vài tháng sau, ngày 16 tháng 8, Nhật Hoàng đọc lệnh cho binh sĩ buông súng đầu hàng.

Hậu quả, ngày 25 tháng 8 Bảo Đại giao ấn, kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện Ủy ban giải phóng, tuyên bố thoái vị. Quốc gia gọi là « Quốc gia Việt Nam » vì vậy cũng kết thúc.

Về tình trạng pháp lý, Quốc gia Việt Nam chỉ hiện hữu vỏn vẹn 5 tháng, từ 12-3-1945 đến 16-8-1945. Đây có phải là một thực thể « quốc gia » đúng nghĩa theo Công pháp quốc tế hay không ?

Khi Nhật đặt chân đến VN trong Thế chiến II, tháng 8 năm 1940, có ký kết với Pháp vẫn để cho Pháp có chủ quyền tại Đông Dương, ngoại trừ phương diện quân sự. Kết ước này không được tôn trọng. Tháng 3 năm 1945 Nhật truất quyền của Pháp ở VN và nắm toàn quyền lãnh đạo. VN được đặt trong khối « Đại Đông Á » của Nhật. Việc Nhật trả độc lập cho VN và sau đó Tuyên bố độc lập của Bảo Đại có giá trị trước công pháp quốc tế. Vì ở thời điểm đó Nhật đã giành chủ quyền VN từ tay Pháp (và trả lại cho Bảo Đại). Chính phủ Trần Trọng Kim là một chính phủ « xứng đáng » so với tiêu chí của Công pháp quốc tế hiện nay. Chỉ trong một thời gian ngắn chính phủ này đã tổ chức hành chánh, thiết lập an ninh trật tự trong xã hội đồng thời thực hiện các công tác cứu trợ cần thiết cho người dân vì VN đang trong thời chiến tranh, chịu sự dội bom, đánh phá của Đồng minh, trong tình trạng thiếu thốn về mọi mặt.

Tuy nhiên, vài tháng sau Nhật đầu hàng. Độc lập và chủ quyền của Việt Nam mà Bảo Đại tuyên bố chưa kịp nước nào công nhận.

(Bảo Đại thoái vị, nhượng quyền cho « Chính phủ cách mạng » của Hồ Chí Minh, có thể do ám ảnh hành động của thủ tướng Thái Plaek Phibulsongkhram. Ông này từ chức, nhường quyền lại cho ông Pridi Phanomyong, nguyên là một giáo sư Luật, là người có khuynh hướng thân Mỹ, chống lại việc hợp tác với Nhật, do lo ngại việc Thái sẽ bị đặt dưới sự bảo hộ của Đồng minh vì nước này đứng về phía Nhật trong thời chiến tranh. Nhưng việc thoái vị này có thể do uy hiếp của nhóm Hồ Chí Minh).

Hành động thoái vị của Bảo Đại cho thấy là sai lầm. Lý ra chính phủ Trần Trọng Kim trụ được cho đến khi Đồng Minh gởi quân vào tước vũ khí của Nhật, vì trên nguyên tắc, lực lượng quân đội Nhật có bổn phận giữ an ninh trật tự trong xã hội cho đến khi quân Đồng minh vào giải giới. Số phận của VN, cũng như các nước bị Nhật chiếm trong chiến tranh, đã được các nước Đồng minh định đoạt trước ở hội nghị Potsdam 1945.
Tranh chấp đảng phái ở VN sau đó là tranh chấp để giành làm đại diện cho VN để đối thoại với Đồng minh.

2.2 Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa của Chính phủ lâm thời (Mặt trận Việt Minh, từ 2-9-1945 đến tháng 12 năm 1946) :
Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh 16-8-1945, ở VN đã có một khoảng trống chính trị vì chính phủ Trần Trọng Kim không có thực lực. Việc này có thể do hệ quả của việc không dám dựa vào quân đội Nhật (vẫn còn trách nhiệm giữ an ninh trật tự tại VN cho đến khi Đồng minh vào giải giới), vì sợ kết vào tội làm « bù nhìn » cho Nhật. Trong khi các lực lượng « lưu vong » như Việt Minh của Hồ Chí Minh, Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh, Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần, Đại Việt của Nguyễn Tường Tam… đều nhôn nhao về nước tìm cách nắm chính quyền. Trong đó ông Hồ Chí Minh tỏ ra nắm vững tình hình quốc tế và cao tay về chính trị hơn cả.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt Minh làm « cách mạng », một chính phủ « lâm thời » được Hồ Chí Minh thành lập tại Hà Nội. Việc này chỉ xảy ra vài ngày trước khi quân Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch vào Bắc Kỳ, (theo qui định của các nước Đồng minh ở Hội nghị Potsdam). Quân Tưởng gồm hai đạo, vào VN từ hai ngả : từ Quảng Tây vào Lạng Sơn do Tiêu Văn cầm đầu và từ Vân Nam vào Lào Cai do Lư Hán cầm đầu, tổng cộng khoảng 180.000 quân. Hai đạo quân này đi tới đâu thì tước khí giới của Việt Minh tới đó, rồi giao chính quyền quyền cho quân của các đảng phái khác (VNQDD, DV, VNCMDMH) thân Tàu. Hồ Chí Minh lo bị mất quyền, vì thế, từ Hà Nội, ông hô hào tổ chức « tuần lễ vàng », nhằm quyên góp vàng bạc trong dân để có phương tiện đút lót cho các tướng Tiêu Văn và Lư Hán để giữ quyền hành. Nhờ hành vi « lo lót » này, các vị tướng Tàu ngả về ủng hộ Hồ Chí Minh, làm áp lực lên các đảng phái khác (vốn rất chia rẽ, một phe theo Tiêu Văn, một phe theo Lư Hán), ép thành lập « Chính phủ Liên hiệp Lâm thời » ngày 25 tháng 12 năm 1945.Chính phủ này gồm có đại diện của các phe phái tại VN. Quốc hội cũng được tổ chức qua cuộc bầu cử ngày 6 tháng 1 năm 1946. Ngày 2 tháng 3, Quốc hội nhóm họp, tuyên bố « Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến » thành hình, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch.

Hồ Chí Minh cũng nắm bắt được tin Pháp đang vận động với Tưởng Giới Thạch, trao đổi quyền lợi giữa Pháp và Trung Hoa, để quân Pháp vào thay thế quân Hoa ở miền Bắc (thực ra ở bắc vĩ tuyến 16), theo như qui định của Đồng minh tại hội nghị Potsdam. Trong khi đó, Anh cũng trao quyền cho Pháp ở miền Nam (nam vĩ tuyến 16). Ông Hồ « đón gió » chính trị trước việc này, tìm cách ký kết với Pháp một kết ước, mục đích dĩ nhiên là để được xem là đại diện chính thức của VN. Ngày 28-2-1946 Pháp và Trung Hoa ký kết ước Trùng Khánh thì ngày 6 tháng 3 ông Hồ cũng ký với Pháp một hiệp ước gọi là « hiệp ước sơ bộ ». Theo đó Pháp công nhận VN là một nước « tự do » nằm trong Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp.

Quốc gia Việt Nam từ thời điểm 2-9-1945 đến khi « hiệp ước sơ bộ » được ký có phải là một quốc gia thực sự ?
Sau khi được Bảo Đại giao ấn và kiếm, biểu tượng uy quyền của vua đối với thần dân trên lãnh thổ Đại Nam, lý ra « chính phủ lâm thời » có tính chính đáng để khai sinh một nước Việt Nam độc lập. Tuy vậy việc này không có giá trị đối với công pháp quốc tế, một mặt do chưa ổn định nội an thì quân Tàu đã kéo qua, mặt khác do hệ quả của « hiệp ước sơ bộ ».

Khi ký hiệp ước sơ bộ, chính phủ của ông Hồ được Pháp công nhận tư cách đại diện một « quốc gia », giới hạn ở Bắc kỳ (đúng ra phía bắc vĩ tuyến 16). Quốc gia đó là quốc gia « Việt Nam tự do – Vietnam libre », đứng trong « Liên bang Đông dương » và khối « Liên hiệp Pháp ».
Vấn đề phải hiểu thế nào là nước « Việt Nam tự do » đứng trong « Liên bang Đông dương » ?

Từ hòa ước Patenôtre 1884 đến tháng 3 năm 1945, toàn Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào và Cao Miên) thuộc Pháp. Để dễ bề cai trị, Pháp đặt nền hành chánh thuộc địa tại Việt Nam theo lối « chia để trị ». VN bị phân chia thành ba miền (còn gọi là ba kỳ) riêng biệt. Ba Kỳ cùng Lào, Kampuchia và Quảng Châu Loan (nhượng địa của TQ) được Pháp đặt trong « Liên bang Đông dương – Union Indochinoise », còn gọi là Đông Dương thuộc Pháp hay Đông Pháp. Liên Bang Đông Dương ra đời ngày 17-10-1887, do một Toàn quyền (sau này là Cao ủy) được Pháp bổ nhiệm lãnh đạo. Các « xứ » (tiểu bang) hay các « kỳ » của VN trong Liên bang có tình trạng pháp lý khác nhau. Nam kỳ có qui chế thuộc địa, dân chúng ở đây có chế độ « thuộc dân – sujets français », trực thuộc Bộ Thuộc địa Pháp, do một Tổng đốc (gouverneur) lãnh đạo. Trong khi Trung kỳ và Bắc kỳ (cũng như Lào và Kampuchia) có tình trạng pháp lý là các xứ « bảo hộ », trực thuộc Bộ Ngoại Giao. Dân chúng ở các xứ này có qui chế «dân bảo hộ Pháp - protégés français », là qui chế thấp nhứt (1/ công dân Pháp - citoyens français, 2/ thuộc dân Pháp - sujets français và 3/ dân bảo hộ Pháp - protégés français).

Hiệp ước sơ bộ không hề nói một nước Việt Nam độc lập mà chỉ nói một nước « Việt Nam tự do » thuộc « Liên bang Đông dương » và khối « Liên hiệp Pháp ». Tức ông Hồ chấp nhận « quốc gia » Việt Nam, thực ra là « tiểu bang » hay « xứ », do chính phủ ông lãnh đạo, nằm trong Liên bang Đông Dương, có qui chế pháp lý tương đương với xứ Bắc Kỳ, mà quyền hành của ông còn dưới quyền của Thống sứ Pháp.

Các đảng phái quốc gia lên án ông Hồ việc này là rước Pháp vào lại VN. Nhưng thực ra, có hay không có « hiệp ước sơ bộ » thì Pháp cũng vào lại VN. Cũng như có hay không có các chính phủ của Bảo Đại hay của ông Hồ thì quân Trung Hoa cũng vào Bắc Kỳ. Việc này là do qui định của phe chiến thắng, tức các nước Đồng minh. Khi Pháp và TH ký kết ước trao đổi quyền lợi, Pháp trả các nhượng địa cùng các cơ sở kinh tế của Pháp tại đất TH cho họ Tưởng thì phe này cũng trả lại VN cho Pháp. Chính trị gọi là « đón gió » của ông Hồ, vì ông hiểu biết tình hình quốc tế, biết được định đoạt của Đồng minh về số phận các quốc gia do Nhật chiếm trước chiến tranh, vì thế xông xáo ký kết ước với Pháp. Nhưng việc này cũng kết liễu tính chính thống của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đồng thời hành động này làm cho các đảng viên trong đảng CSVN nghi ngại lập trường của ông Hồ. Vi việc này mà sau này ông Hồ trở nên rất sắt máu, đúng tiêu chuẩn của một cán bộ quốc tế vô sản, để chứng minh lập trường của mình. Nhưng dầu vậy ông Hồ cũng không được phía cộng sản Nga tin tưởng. Họ nghi ngờ ông Hồ là « cơ hội chủ nghĩa » cho đến khi ông này qua đời năm 1969.

Như thế nước « Việt Nam Dân chủ Cộng hòa » do ông Hồ lãnh đạo không hề là một quốc gia thực sự mà chỉ là một « tiểu bang » trong Liên bang Đông Dương.
Sau khi bị chỉ trích, ông Hồ cố gắng thay đổi thực tế này qua các hội nghị tại Đà Lạt và Fontainebleau, nhưng đều thất bại. Chính phủ của ông Hồ rút khỏi Hà Nội và bước vào cuộc kháng chiến, bắt đầu từ tháng 12 năm 1946. Việc này, ông Bảo Đại phê rằng : Sau thất vọng ở Fontainebleau, (Việt Minh) chỉ còn giữ được uy tín bằng cách đưa cả nước vào biển máu.

2.3 Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam (27-5-1948) và Việt Nam Cộng Hòa (26-10-1955 đến 30-4-1975) :
Thế chiến Thứ II chấm dứt, việc này cũng kết liễu các chế độ « thực dân » ở các xứ « thuộc địa » của các đại cường cũ (Anh, Pháp…). Khuynh hướng của Hoa Kỳ, đại cường mới lên, chủ trương bãi bỏ tất cả các chế độ thực dân, do đó khuyến cáo các cường quốc phải trả lại độc lập cho các thuộc địa của mình. Các xứ như Phi, Miến Điện, Nam Dương, Ấn Độ và Pakistan… lần lượt lấy lại độc lập mà không tốn một giọt máu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, một nước Pháp đã kiệt quệ nhưng vẫn muốn giữ quyền lợi và ảnh hưởng của mình. Phía Hoa Kỳ đặt điều kiện cho Pháp, để được sự trợ giúp, phải để cho dân VN thành lập một chính phủ đại diện (nhằm đi đến độc lập và thống nhứt đất nước).

Nội tình VN hỗn loạn, các đảng phái quốc gia không có thực lực lại xâu xé, tranh chấp lẫn nhau. Bên có thực lực là phe của ông Hồ, nhưng là lực lượng của cộng sản. Phe này tìm cách loại trừ phe kia để độc chiếm sân khấu chính trị. Trong khi nội tình nước Pháp cũng không khá hơn. Chính trị Pháp về Đông Dương chia làm hai khuynh hướng, phe tả thúc hối chính phủ phải thuơng lượng với Hồ Chí Minh. Phe hữu thì đòi phải thuơng lượng với Bảo Đại.
Cuối cùng « lá bài » Bảo Đại được Pháp chọn làm đối tượng đối thoại để thực hiện chính sách mới của họ về thuộc địa nhằm thỏa mãn các điều kiện của Hoa Kỳ.

(Thực ra đây là một lựa chọn theo lối « không chó bắt mèo ăn c. ». Vì ông này không cộng sản và có được tính « chính thống » trước người dân VN. Ông Bảo Đại là một type người ăn chơi đàng điếm, cả cuộc đời chỉ la cà trà đình, tửu quán, sòng bài… không thể là một « chính khách » của một nước thuộc địa đang gay go giành lại độc lập (và thống nhứt đất nước) trong một không gian vô cùng hỗn loạn vì tranh chấp về quyền lợi và chính trị (ý thức hệ) giữa các cường quốc đang nắm vận mạng của cả thế giới. Khi được nắm quyền (Quốc trưởng) ông này chỉ ở bên Pháp, lo ăn chơi chứ không ở lại trong nước để chia sẻ ngọt bùi với quần thần và dân chúng. Ông bị Ngô Đình Diệm hạ bệ là hợp lý. So với ông Hồ Chí Minh thì Bảo Đại thua xa về trí tuệ và tư cách. Nhưng ông Hồ là người vô sản chân chính, đặt quyền lợi quốc tế cộng sản lên trên lợi ích của dân tộc.)

Ngày 27-5-1948 Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam được thành lập do Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, Bảo Đại lên làm « Hoàng Đế, Quốc trưởng ». Ngày 5 tháng 6 năm 1948, chính phủ này ký bản « Tuyên bố chung » với Cao ủy Bollaert  ở Hạ Long, theo đó Pháp cam kết : « Pháp long trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam, được tự do thực hiện nền thống nhứt của mình. Việt Nam tuyên bố sát nhập vào Liên Hiệp Pháp dưới danh nghĩa một quốc gia liên kết với nước Pháp. »
Nhưng « bản tuyên bố » này bị các thế lực thân thực dân ở Nam kỳ chống đối. Cùng lúc ở Paris, chính giới Pháp phản đối việc này, cho rằng ông Bollaert không có tư cách để nhượng bộ như vậy. Họ lý luận rằng, trong vấn đề Nam kỳ, vì đây là « nhượng địa » của VN cho Pháp. Do đó mọi quyết định liên quan đến Nam kỳ phải do quốc hội biểu quyết.

Nhưng thời điểm này nội tình chính trị nước Pháp không ổn định, nội các thường xuyên thay đổi. Đất nước kiệt quệ do chiến tranh, rất cần các sự giúp đỡ của HK. Nội các mới công bố chính sách Đông Dương vào ngày 19-8-1948, công nhận nội dung tuyên bố Hạ Long. Đến 8 tháng 3 năm 1949, tuyên bố Hạ Long được xác định cụ thể qua lá thư của Tổng thống Vincent Auriol gởi cho Bảo Đại, còn gọi là kết ước Elysée.

Nội dung có nhiều điều cần bàn cãi, nhưng điểm chính là Pháp phải công nhận VN « độc lập » và « thống nhứt ». Đây là một thắng lợi lớn của Việt Nam, là tiền đề để xây dựng một nước Việt Nam độc lập và tự chủ. Cho dầu về một số mặt còn lệ thuộc vào Pháp, nhưng không tốn giọt máu nào, thì đó cũng là cái giá rất rẻ để chấp nhận.

Đối với các định chế quốc tế, Quốc gia Việt Nam của của Bảo Đại đã được chấp thuận đại diện cho nước Việt Nam duy nhứt, gia nhập vào các tổ chức quốc tế như sau :
-      Tổ chức Y tế Quốc Tế (l'Organisation mondiale de la Santé - O.M.S.) ngày 17 tháng năm năm 1950.
-      Tổ chức Lao động Quốc tế (l'Organisation internationale du Travail - O.I.T.), ngày 21 tháng sáu năm 1950.
-      Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Lương thực và Nông nghiệp (l'Organisation des Nations Unies pour l'alimentation et l'agriculture  - F.A.O.), ngày 11 thasng 11 năm 1950.
-      Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (l'Organisation des Nations Unies pour l'éducation, la science et la culture  - U.N.E.S.C.O.), ngày 21 tháng 6 năm 1951.
-      Liên hiệp Quốc tế về Viễn Thông (l'Union internationale des Télécommunications - U.I.T), ngày 24 tháng 9 năm 1951.
-      Liên hiệp Bưu chính Thế giới (l'Union postale universelle - U.P.V.), ngày 20 tháng 10 năm 1951.

Năm 1951, ông Trần Văn Hữu, nguyên thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao, đại diện Việt Nam đi dự hội nghị San Francisco, ký kết hiệp ước Hòa Bình với Nhật. Nhân dịp này ông đã tuyên bố tại hội nghị về chủ quyền lâu đời của VN tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị Nhật chiếm đóng trái phép trong thời kỳ chiến tranh, do đó ông thay mặt quốc gia Việt Nam tuyên bố quyết định thâu hồi hai vùng lãnh thổ này về lại quốc gia Việt Nam. Tuyên bố của ông Trần Văn Hữu không gặp phản đối của nước nào nào tại hội nghị.

Quốc gia Việt Nam với Quốc trưởng Bảo Đại cũng được nhiều nước trên thế giới công nhận, như Hoa Kỳ, tóa thánh Vatican cũng như nhiều nước khác trong thế giới tự do (đến năm 1954 có 35 nước công nhận).

Tháng 6 năm 1954 Ông Diệm về làm thủ tướng. Một tháng sau đất nước bị chia đôi tại vĩ tuyến 17 theo Hiệp định Genève. Ngày 20-10-1955 ông Diệm trưng cầu dân ý truất phế ông Bảo Đại. Ngày 26 tháng 10 năm 1955 đổi tên nước và thành lập chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Nội dung Hiệp định Genève ký kết giữa Pháp và VNDCCH, xác định nước Việt Nam là duy nhứt, việc phân chia hai miền chỉ là tạm thời. Các định chế quốc tế tôn trọng điều này.

Việc phân chia đất nước, chính phủ Bảo Đại (và Hoa Kỳ) chống đối. Chính phủ Quốc gia Việt Nam (cũng như hai nền cộng hòa của nước VNCH sau này), tôn trọng tính liên tục của quốc gia, cũng không công nhận nhà nước VNDCCH và chủ trương một quốc gia Việt Nam (thống nhứt ba kỳ) và duy nhứt.

Sau 1954, Chính phủ VNDCCH được thành lập ở miền bắc nhưng không đại diện cho quốc gia Việt Nam ở các định chế quốc tế. VNCH, kế thừa di sản của Quốc Gia việt Nam, tiếp tục đại diện cho quốc gia Việt Nam tại các định chế quốc tế đã ghi ở trên. Tức các định chế quốc tế công nhận tính liên tục quốc gia Việt Nam, từ Quốc Gia Việt Nam sang Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1954, QGVN được chấp nhận cho gia nhập vào Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (l'Organisation internationale pour l'aviation civile - O.A.C.L).

Ngày 1 tháng 4 năm 1955 QGVN được chấp nhận cho gia nhập Tổ chức Khí tượng Thế giới (l'Organisation mondiale de la météorologie – O.M.M).

Ngày 21 tháng 9 năm 1956 VNCH được gia nhập Ngân hàng Quốc tế về Tái xây dựng và Pháp triển (la Banque internationale pour la reconstruction et le développement - B.I.R.D.).

Sau 1963, nền Đệ nhứt cộng hòa chấm dứt, nền Đệ nhị cộng hòa kế thừa VNCH, tiếp tục đại diện cho quốc gia VN duy nhứt tại các định chế quốc tế cho đến khi sụp đổ ngày 30-4-1975.

Như thế, tóm lại, từ Quốc Gia Việt Nam 1948 cho đến Việt Nam Cộng Hòa 1975, các quốc gia này đã giữ được tính liên tục và thể hiện sự kế thừa di dản quốc gia từ các triều đại phong kiến, nhà Nguyễn, đến thời kỳ Pháp thuộc.
Nhà nước Quốc Gia Việt Nam đã tuyên bố giành lại HS và TS cho VN tại hội nghị San Francisco năm 1951. Nhà nước VNCH đã đổ máu gìn giữ HS khi quân Tàu xâm lăng năm 1974.

2.4 Quốc gia « Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa » từ tháng 12 năm 1946 đến Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ tháng 7-1954 đến 30-4-1975
Từ tháng 12-1946 đến tháng 7 năm 1954 là khoảng thời gian gọi là « chín năm kháng chiến », hay còn gọi là « cuộc chiến Đông dương lần thứ nhứt ». Chính phủ của ông Hồ tuyên bố « tiêu thổ kháng chiến », phá bỏ thành thị, làng xã, rút vào rừng thành lập các khu kháng chiến. Chính phủ của ông Hồ trở thành một « chính phủ kháng chiến » thực sự với ý nghĩa của nó.

Nhưng từ năm 1949, sau khi Tàu Mao thắng Tàu Tưởng, cuộc chiến « kháng chiến giành độc lập » cũng trở thành cuộc chiến để cộng sản Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng. Từ tháng 2 năm 1951, đại hội đảng CSVN lần 2, ông Hồ tuyên bố phương pháp chiến tranh là lấy kinh nghiệm chiến tranh cách mạng của Trung Quốc, tư tưởng là lấy tư tưởng của Mao Trạch Đông. Cuộc « kháng chiến giành độc lập » của VN được Mao Trạch Đông hoạch định cùng sách lược với cuộc chiến Triều Tiên, trong chiến lược nhuộm đỏ Châu Á, « gió Đông thổi bạt gió Tây ». Trong cuộc chiến Triều Tiên, phía Trung Cộng đã gởi hàng triệu « chí nguyện quân » đánh giúp Bắc Hàn. Cuộc « kháng chiến thần thánh » giành độc lập của VN đã đổi sang màu « đỏ » của phong trào vô sản quốc tế. Bộ đội ông Hồ, từ quân trang, quân dụng, vũ khí, lương thực cho đến cán bộ chỉ huy, tất cả đều do Trung Cộng cung cấp. Nhờ sự giúp đỡ vô biên của TQ , bộ đội của ông Hồ, cùng với bộ đội của bác Mao, thắng được quân Pháp ở trận Điện Biên Phủ, buộc Pháp ký Hiệp định Genève 1954.

Câu hỏi đặt ra, « quốc gia » Việt Nam DCCH với « chính phủ kháng chiến », từ tháng 12-1946 đến tháng 7-1954, do ông Hồ lãnh đạo có phải là một « quốc gia » đầy đủ ý nghĩa theo Công pháp quốc tế hay không ?

Dĩ nhiên là không ! Một chính phủ kháng chiến luôn là một chính phủ tạm thời. Về lãnh thổ thì chính phủ này chỉ kiểm soát trên rừng rú. Chính phủ này không hề kiểm soát được các tỉnh lớn, không đem lại an ninh và hòa bình cho dân chúng. Trong khi người dân, ngoại trừ những người ở thôn quê hẻo lánh không có điều kiện, hầu như tất cả đều « dinh tê ».

Cuối cùng « kháng chiến thành công », Pháp thua Việt Minh ở trận Điện Biên Phủ, phải ký hiệp định Genève tháng 7 năm 1954. Chính phủ VNDCCH do ông Hồ lãnh đạo vì vậy lấy được một nửa đất nước, tính từ vĩ tuyến 17. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hiện hữu trên thực tế (de facto) từ đây.

Nhưng các chính sách của nhà nước VNDCCH đã tố cáo nhà nước này lệ thuộc vào một thế lực ngoại bang. Sau 1954, các chính sách về kinh tế, cách thức tổ chức xã hội, tư tưởng chính trị, văn hóa… thảy đều rập khuôn với các chính sách của Mao Trạch Đông đã áp dụng trước đó tại Trung Hoa lục địa. Các phong trào « cải cách ruộng đất », phong trào « trăm hoa đua nở », phong trào diệt « trí phú địa hào »… áp dụng tại VN đều là ý kiến của cố vấn TQ.

Một nhà nước không vì lợi ích của dân chúng là một nhà nước không xứng đáng. Một nhà nước lệ thuộc vào ngoại bang là một nhà nước không được công nhận theo quốc tế công pháp.

Về lập trường chính trị, chính phủ VNDCCH tuyên bố theo xã hội chủ nghĩa, chủ trương một nước Việt Nam duy nhứt (theo qui định của Hiệp định Genève). Chính phủ VNDCCH không công nhận sự hiện hữu của một chính phủ VNCH ở miền Nam. Chính phủ VNCH bị gán cho là chính quyền ngụy, bù nhìn, do đế quốc lập nên chứ không do nguyện vọng của người dân miền Nam. Chính phủ VNDCCH cũng tuyên bố không công nhận bất kỳ một đại diện nào cho VN từ phía VNCH tại các định chế quốc tế. Tức là chính phủ VNDCCH chủ trương một quốc gia VN duy nhứt mà họ là đại diện chính thống.

Chính phủ VNDCCH, trên phương diện công pháp quốc tế, là một chính phủ hiện hữu trên thực tế (de facto) nhưng không được công nhận (de jure). Chính phủ này không hề đại diện nước Việt Nam duy nhứt tại bất kỳ một tổ chức quốc tế nào. Trong khi tư cách đại diện của VNCH tại các tổ chức này thì bị VNDCCH phủ nhận. Lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở về bắc là lãnh thổ mà tổ chức chính trị của ông Hồ « chiếm » được. Chính quyền họ có trong tay là do « cướp » được.

Những người cộng sản VN rất tự hào về việc này. Họ tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ, không chấp nhận di sản của chính quyền thực dân cũng như đả phá các nhà nước tiền nhiệm VN thời phong kiến. Họ tuyên bố sáng lập một nước VN mới. Như thế, vấn đề liên tục quốc gia không đặt ra. Việc kế thừa cũng không đặt ra.

Nhưng khó khăn chỉ đến khi đối diện với thực tế. Sau 1975, vấn đề chủ quyền HS và TS sẽ giải quyết thế nào, khi chính quyền này đã công nhận nhiều lần trong quá khứ chủ quyền HS và TS thuộc TQ ?

Vấn đề về liên tục quốc gia vì thế phải được quan niệm lại, đồng thời với việc kế thừa. Các việc này phải được thực hiện như thế nào để quốc gia VN không mất lãnh thổ (và hải phận) ở hai quần đảo HS và TS ?

2.5 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời  20-12-1960 đến 2-7-1976 :
Trong vấn đề « thống nhứt » đất nước, VNDCCH chủ trương « giải phóng miền nam », vì đồng bào miền nam đang quằn quại dưới ánh cai trị bạo tàn của Mỹ-Ngụy. Vấn đề « giải phóng » sẽ được thực hiện bằng bạo lực, bằng cách phát động cuộc chiến tranh cách mạng, hô hào dân miền Nam nổi dậy lật đổ chế độ.

Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được khai sinh để phục vụ cho chủ trương đó. MT khai sinh ngày 20-12-1960 theo nghị quyết của của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ ba của đảng CSVN (lúc đó là đảng Lao Động), được đặt dưới sự lãnh đạo của bộ Chính trị đảng CSVN và Trung ương cục miền Nam.

Mục tiêu của MT là : « đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và nhân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, để thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới hòa bình thống nhứt tổ quốc. »

Cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968, thực hiện theo một nghị quyết khác của đảng CSVN, là một thành công chính trị lớn lao cho đảng CSVN. Con cờ mà họ lập ra, MTGPMN, từ nay được quốc tế biết đến. Chính phủ Cách mạng Lâm thời được thành lập ngày 8-6-1969. Dĩ nhiên VNDCCH cùng các nước trong khối cộng sản lập tức công nhận thực thể chính trị này. Việc này đặt lại tính chính thống của chính phủ VNCH trước các định chế quốc tế, làm yếu đi tư thế đại diện một nước Việt Nam duy nhứt. Nhưng cho đến khi sụp đổ, VNCH vẫn là đại diện duy nhứt cho quốc gia Việt Nam tại các tổ chức quốc tế.

Cùng lúc chính trị của Mỹ về vấn đề VN bước  vào khúc quanh quyết định. Mỹ muốn « Việt Nam hóa chiến tranh », vì thấy không cần thiết để hiện diện ở VN nữa, sau khi bắt tay được với Mao Trạch Đông qua việc ký kết ước Thượng Hải. Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Mỹ nâng lên ngang tầm với VNCH, để bốn bên Mỹ, CS miền Bắc, VNCH và CPCMLT ký kết hiệp định Paris 1972. HK bắt đầu rút quân khỏi miền Nam đồng thời cúp viện trợ quân sự cho VNCH.
Việc đến phải đến, 30-4-1975 VNCH sụp đổ. Quốc gia VNCH đổi tên thành Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

3. Vấn đề kế thừa giữa VNCH và CHMNVN qua khía cạnh đại diện các định chế quốc tế - Vai trò của VNDCCH.

Bộ trưởng bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời là bà Nguyễn Thị Bình. Sau khi VNCH sụp đổ, bà Bình đã có những động thái hướng đến các tổ chức quốc tế nhằm kế thừa danh nghĩa của VNCH đại diện cho quốc gia Việt Nam. Ngày 7-5-1975, một điện tín từ Bộ ngoại giao của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã gởi đến O.M.S, cùng lúc với các định chế quốc tế khác, nội dung tóm lược như sau :
Chính phủ Cộng hòa Miền Nam VN thông báo đã kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Việt Nam. Chế độ cũ ở Sài Gòn đã sụp đổ. Chính phủ Cách Mạng lâm thời là người duy nhứt có thẩm quyền, thực sự đại diện dân chúng miền Nam, có tính chính thống để đại diện miền Nam Việt Nam tại O.M.S cũng như các định chế quốc tế khác.
Việc « kế thừa » VNCH của CPCMLT tại các định chế quốc tế không gặp khó khăn, chỉ đơn giản là việc « đổi tên nước », tại UNESCO vào tháng 7 -1975, U.I.T vào tháng 2 năm 1976.
Điều cần ghi nhận là động thái của VNDCCH qua việc xin gia nhập O.M.S như là « một thành viên chính thức » vào ngày 10 tháng 4 năm 1975. Việc này được đại hội O.M.S chấp nhận ngày 7-5. Lập trường một quốc gia  Việt Nam duy nhứt đã bị phá bỏ. Tức là có hai nước VN tại O.M.S.

Điều cần ghi nhận khác, tại đại hội O.M.S năm 1976, hai quốc gia VNDCCH và CHMNVN chỉ có một phái đoàn đại diện. Việc này vi phạm điều lệ LHQ, vì một người không thể đại diện cho hai quốc gia. Tuy vậy, việc này cũng được thông qua, với điều kiện, khi phái đoàn phát biểu cho nước nào thì phải để bảng ghi tên nước đó phía trước.
Như thế, trong chừng mực, VNDCCH chấp nhận có hai quốc gia Việt Nam : VNDCCH và CHMNVN, sau ngày 30-4-1975.

Việc thống nhứt đất nước 2-7-1976 như thế là thống nhứt giữa hai quốc gia. Vấn đề kế thừa về lãnh thổ do đó mang một sắc thái chính trị khác.

Sau 30-4-1975, không thấy chính phủ CMLT tuyên bố lời nào về chủ quyền của HS và TS. Cuộc chiến đã được gọi là cuộc chiến « giải phóng », tức cuộc chiến đánh đổ (phủ nhận) chính phủ tiền nhiệm, nhằm tháo gỡ cùm gông kìm kẹp dân chúng. Do đó không có vấn đề « kế thừa » lãnh thổ, mà chỉ có vấn đề « giải phóng », tức chiếm lại đất đai và giành lại dân chúng. Một số đảo ở TS đã được thể hiện như thế (de facto). Danh nghĩa chủ quyền của VN tại HS và TS do đó vẫn chưa được thụ đắc (de jure).

Đến nay, các mặt nạ lần lượt rơi xuống. Mọi người đều biết MTGPMN là con đẻ của đảng CSVN, chứ không hề do nhân dân miền Nam thành lập để « vùng lên » chống áp bức. Các cán bộ lãnh đạo MT đều là đảng viên của đảng CSVN. Những lãnh đạo CSVN hiện nay, những người trong MTGPMN cũ, đều là thành viên TU của đảng CSVN. MTGPMN với đảng CSVN chỉ là một. Thực thể CPLTCHMN không hề là nguyện vọng của người dân miền Nam (VNCH). Hành vi của chính phủ này không phản ảnh ý muốn của người dân tại đây.

Chính phủ VNCDCH và CPCMLT tuy hai mà một. Ý kiến của VNDCCH về HS và TS trong chừng mực cũng là ý kiến của CHMNVN. Mà ý kiến đó là công nhận chủ quyền của TQ  tại HS và TS. Ý kiến này không được người dân VN nào, Nam cũng như Bắc, chấp nhận. HS và TS là các lãnh thổ của quốc gia VN, do tổ tiên người VN khám phá, khai thác và quản lý trên thực tế liên tục từ nhiều thế kỷ. Chấp nhận HS và TS thuộc chủ quyền của TQ là nhà nước VNDCCH đã phản bội tiền nhân, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc Việt Nam.

Sự thật lịch sử là như thế, vấn đề đặt ra, nước CHXHCNVN thống nhứt ngày hôm nay sẽ kế thừa chủ quyền ở hai quần đảo HS và TS như thế nào ? Nước này sẽ đứng trên lập trường của nước nào, VNDCCH, CHMNVN hay VNCH để khẳng định chủ quyền ở HS và TS ? Đây không phải là một lựa chọn về « chính trị » mà là một quyết định đứng vào lập trường nào để có thể bảo vệ một cách hữu hiệu quyền lợi của dân tộc.

Vì vậy, việc phân tích các tuyên bố đơn phương và các hành vi mặc nhiên chấp thuận chủ quyền của VN ở HS và TS của nhà nước VNDCCH là cần thiết. Người viết sẽ tuần tự sau đây phân tích về hiệu lực pháp lý của các tuyên bố đơn phương, các hành vi mặc nhiên chấp thuận qua các bản án mẫu của Tòa án Công lý Quốc tế (C.I.J), qua các trường hợp tranh chấp lãnh thổ đã xảy ra trong lịch sử thế giới, ở một số thí dụ để so sánh với trường hợp VN.

Các thí dụ :
1/ nội dung và hiệu lực pháp lý của lá thư của Bộ ngoại giao Colombie gởi chính phủ Vénézuela về chủ quyền quần đảo Los Monjes.
2/ Nội dung và hiệu lực pháp lý của công hàm chính phủ lâm thời Johor về chủ quyền đảo Pedra Branca trong tranh chấp chủ quyền đảo này giữa Mã Lai và Tân Gia Ba.
3/ nội dung và hiệu lực pháp lý tuyên bố « Ihlen » của bộ trưởng Bộ ngoại giao Na Uy về chủ quyền Groenland trong tranh chấp lãnh thổ này giữa Đan Mạch và Na Uy.
4/ Nội dung tuyên bố của các viên chức Pháp về chủ quyền các đảo « Anglo-Normand » trong quá khứ và tác động của chúng lên quyết định của tòa án trong tranh chấp Anh-Pháp về chủ quyền các đảo này.
5/ Về thái độ của chính phủ Thái Lan về tấm bản đồ phân định biên giới 1907 và hệ quả của thái độ này lên phán quyết của tòa án trong tranh chấp Thái-Miên về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear v.v…

Khi đã có một ý thức về hiệu quả pháp lý của các tuyên bố đơn phương (công hàm 1958 do Phạm Văn Đồng kys) hay các thái độ mặc nhiên công nhận (1965, 1974) của nhà nước VNDCCH về chủ quyền của TQ tại HS và TS, ta sẽ phải đi tìm một phương pháp thích ứng để hóa giải kịp thời hiệu lực của các tuyên bố hay thái độ này.
Phương pháp đó là phương pháp nào ? Người viết cũng sẽ lần lượt trình bày kế tiếp sau đây ý kiến của mình về việc này.

Ghi chú : Một số dữ kiện ở phần 2.3 và 3 dẫn từ bài « La représentation du VietNam dans les institutions spécialisées » của bà Joële Nguyên Duy-Tân. In: Annuaire français de droit international, volume 22, 1976. pp. 405-419.

 Trương Nhân Tuấn
 (CÒN TIẾP)

No comments:

Post a Comment