2012/07/23

“Trận chiến” trên Diễn Ðàn


Đỗ Thái Nhiên

Trên mục diễn đàn của báo Người Việt số ra ngày Chủ Nhật 08 tháng 7, 2012 đột nhiên xuất hiện một bài viết ký tên Sơn Hào. Bài này hết lời ca tụng biến cố 30 tháng 4, 1975 bằng ngôn ngữ ấu trĩ, thô thiển, bóp méo sự thực của lịch sử.

Lập tức trận chiến bùng nổ: Bên này là đông đảo độc giả yêu nước, yêu lẽ phải, căm ghét chế độ bạo quyền Cộng Sản. Bên kia là Ban Lãnh Ðạo báo Người Việt. Thay vì đấm đá lẫn nhau, trận chiến vừa kể diễn ra hết sức đặc biệt: Ðộc giả tấn công Người Việt bằng nhiều lời tiếng khác biệt: Khi thân tình, khi căm ghét; khi khuyên lơn, khi mắng mỏ, khi văn vẻ, khi cộc cằn; khi nhẹ nhàng độ lượng, khi "căm thù muôn năm"…

Ngược lại, Ban Lãnh Ðạo báo Người Việt đã đáp lễ độc giả qua cung cách tôn kính không thể tôn kính hơn, chân thành không thể chân thành hơn. Tất cả những tôn kính và chân thành kia chỉ để phát âm thật rõ ràng hai chữ: "Xin Lỗi".
Người-Việt-Nam-không-chấp-nhận-Cộng-Sản đang đấu tranh cho dân chủ đa nguyên. Ða nguyên là đa ý kiến, đa tư tưởng… Tuy nhiên đa nguyên rất dễ bị rơi vào tệ trạng đa ốc đảo, tệ trạng quần chúng cấu xé lẫn nhau, xã hội rối loạn, đất nước chia năm xẻ bảy…

Làm thế nào xã hội vừa tôn trọng đa nguyên vừa có khả năng tiến tới đồng thuận để hợp tác và phát triển? Muốn vậy, sinh hoạt dân chủ đa nguyên cần diễn ra trên nền tảng lương hảo. Ða nguyên không là sân chơi bình đẳng giữa thiện và ác. Ða nguyên không chấp nhận kẻ gian manh trà trộn vào đám dân lành để đục phá xã hội. Muốn vậy đa nguyên phải loại bỏ ngay từ đầu, loại bỏ dứt khoát những nguyên của ung thối, nguyên của trộm cắp tham ô, nguyên của các tội ác hình sự, nguyên chống dân chủ nhân quyền, nguyên Cộng Sản độc tài phản quốc… Người phụ trách mục Diễn Ðàn của báo Người Việt đã hiểu sai ý nghĩa của đa nguyên trong dân-chủ-đa-nguyên nên đã cho phép tội ác 30 tháng 4, 1975 được tự do nhảy múa trên sân khấu dân chủ đa nguyên có tên gọi là "Diễn Ðàn Người Việt".

Ðây là điều lỗi hiển nhiên của báo Người Việt. Ðây là nguyên nhân trọng tâm dẫn đến sự việc được gọi là Trận Chiến Trên Diễn Ðàn.

Nhận biết điều lỗi của mình, ngày 13 tháng 7, 2012 Ban Lãnh Ðạo Báo Người Việt đã tổ chức một buổi gặp gỡ các hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam cùng cơ quan truyền thông Việt ngữ để công bố Thư Xin Lỗi Cộng Ðồng về vụ việc tạm gọi là "hồ sơ Sơn Hào 8 tháng 7, 2012". Một người dầu khó tánh tới đâu cũng không thể phủ nhận tính chất mở cửa, chân thành, tích cực và tôn kính của báo Người Việt trong hành động xin lỗi vừa kể.

Ðón nhận lời xin lỗi kia, Ðộc Giả của Người Việt nghĩ gì? Thưa rằng có ba suy nghĩ đáng quan tâm:

1. Ban Biên Tập Báo Người Việt bao gồm những cây bút thượng thặng, chuyên nghiệp và dồi dào kinh nghiệm báo chí. Nếu báo Người Việt tri tình tuyên truyền cho Cộng Sản thì họ có thừa khôn ngoan để KHÔNG sử dụng kiểu viết của Sơn Hào, một kiểu viết của kẻ tâm thần không bình thường, viết chỉ để gây phản tác dụng. Như vậy lỗi của báo Người Việt là lỗi không tri tình.

2. Báo Người Việt không tri tình phạm lỗi. Báo Người Việt không hề vi phạm luật pháp Hoa Kỳ thông qua hồ sơ Sơn Hào. Vì vậy cung cách xin lỗi của Người Việt đối với đồng hương hoàn toàn không do áp lực từ lưỡi kiếm trên tay của Thần Công Lý. Trung tâm của cung cách ứng xử kia chính là quả tim hồng mà báo Người Việt kính tặng đồng hương Việt Nam. Người làm báo, người viết báo hay người đọc báo, tất cả chúng ta đều xuất thân từ thân phận u ám xoáy tim óc của những người tị nạn Cộng Sản Việt Nam.

3. Như đã trình bày ở trên, muốn xã hội dân chủ đa nguyên tiến tới đồng thuận và hợp tác phát triển thì đa nguyên phải lấy dân chủ nhân quyền làm điểm đồng qui, đồng thời phải loại bỏ những nguyên chống dân chủ nhân quyền. Tiến tới điểm đồng qui dân chủ nhân quyền phải là đồng tiến. Phải nhìn nhận lẫn nhau để đồng tiến. Nhìn nhận và đồng tiến mà bài viết này muốn đề cập tới rõ ràng là sự chấp nhận thư xin lỗi của báo Người Việt để báo Người Việt và Ðồng Hương Việt Nam tiếp tục sinh hoạt dân chủ đa nguyên trong quyết tâm loại bỏ những nguyên độc tài tham ô kiểu CSVN.

Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment